Thời gian qua, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn của Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực. Nổi bật là tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt, chất thải y tế hằng ngày trên địa bàn thành phố đạt gần 100%. Thành phố hoàn thành, đưa vào vận hành 35 trạm quan trắc không khí tự động để làm căn cứ triển khai các giải pháp xử lý ô nhiễm. Thành phố đã xóa được hơn 96% lượng bếp than tổ ong; giảm từ 70 - 90% số vụ đốt rơm rạ sau thu hoạch trong đó các huyện: Gia Lâm, Thanh Trì, Sóc Sơn, Quốc Oai đã tổ chức cho các hộ dân ký cam kết không đốt rơm rạ, sử dụng chế phẩm để tái sử dụng rơm rạ. Tính từ năm 2017 đến nay, các cơ quan quản lý môi trường đã xử phạt vi phạm môi trường hơn 6.000 cơ sở, với tổng số tiền phạt là hơn 63 tỷ đồng. Thanh tra Sở Xây dựng xử phạt hơn 53.000 công trình gây ô nhiễm môi trường với tổng số tiền gần 100 tỷ đồng...
Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố vẫn tồn đọng khoảng 10% lượng rác thải, nhiều nhất là phế thải xây dựng bị vứt tại các kênh rạch, ao hồ, khu đất trống, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị. Thành phố đã phân loại rác thải rắn tại nguồn, nhưng kết quả rất hạn chế. Cùng với đó, Hà Nội vẫn nằm trong nhóm thành phố có độ ô nhiễm môi trường không khí cao nhất thế giới, nhất là ô nhiễm bụi PM10 và bụi PM2.5. Mức độ ô nhiễm bụi mịn có xu hướng tăng qua các năm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Kế thừa quy định tại Luật Thủ đô 2012, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này quy định Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội sẽ có quy định về vùng phát thải thấp và các biện pháp cần thiết kèm theo để bảo đảm phát triển bền vững nhằm thực thi có hiệu quả hơn quy định đối với từng phân vùng môi trường tại Ðiều 23 Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các Ðiều 22 và 23 của Nghị định 08/2022/NÐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (Nghị định 08/2022/NÐ-CP) về Vùng bảo vệ nghiêm ngặt và Vùng hạn chế phát thải. Theo Nghị định số 08/2022, các khu dân cư tập trung ở đô thị bao gồm khu vực nội thành, nội thị của các đô thị đặc biệt (trong đó có Thủ đô Hà Nội) là Vùng bảo vệ nghiêm ngặt và khu vực vùng đệm của Vùng bảo vệ nghiêm ngặt là Vùng hạn chế phát thải. Kèm theo đó là các yêu cầu quy chuẩn kỹ thuật về nước thải, khí thải quy định giá trị giới hạn cho phép của các chất ô nhiễm phù hợp với yêu cầu bảo vệ của phân vùng môi trường đối với vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải, bảo đảm không gây tác động xấu đến sự sống và phát triển bình thường của con người, sinh vật.
Các biện pháp này được đề xuất tại Ðiều 29 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là phù hợp với khả năng thực hiện của Hà Nội, như hỗ trợ cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch và lộ trình thực hiện; thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch để giảm ô nhiễm môi trường; đầu tư phát triển phương tiện giao thông công cộng kết hợp lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân để hạn chế ùn tắc giao thông, giảm phát thải. Ngoài ra, để giảm ô nhiễm không khí tại Hà Nội, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng đã xác định cần phải có sự phối hợp giữa thành phố Hà Nội với các địa phương khác trong Vùng Thủ đô.
Một vấn đề rất khó giải quyết đối với thành phố Hà Nội suốt nhiều năm qua là việc di dời cơ sở sản xuất, bệnh viện ô nhiễm môi trường ra khỏi đô thị trung tâm tiếp tục quy định chi tiết và cụ thể hơn tại Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), bao gồm cả biện pháp, lộ trình di dời các cơ sở không phù hợp với Quy hoạch chung Thủ đô.