Bổ sung nguồn điện cung ứng cho Thủ đô

Trước tình trạng nguồn cung ứng điện thiếu hụt, thành phố Hà Nội đang kiến nghị các giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc cho nguồn điện mặt trời mái nhà và điện rác. Nếu tận dụng được hai nguồn năng lượng tái tạo này sẽ hỗ trợ đáng kể nguồn cấp điện cho thành phố.
0:00 / 0:00
0:00
Một hệ thống điện mặt trời mái nhà ở Hà Nội.
Một hệ thống điện mặt trời mái nhà ở Hà Nội.

Thời gian gần đây, nhiều phân xưởng dệt may ở Hà Nội phải tạm dừng hoạt động do tình trạng cắt điện luân phiên. Trong hoàn cảnh này, các doanh nghiệp càng mong mỏi có thể triển khai điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Doanh nghiệp dệt may đầu tư điện mặt trời mái nhà có thể hoàn vốn sau khoảng 5-6 năm, tiết kiệm chi phí hoạt động, đồng thời, tạo ra chứng chỉ xanh cho hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện chưa có những hướng dẫn, quy định đầu tư, lắp đặt cụ thể cho mô hình điện tự dùng, cho nên các doanh nghiệp chưa dám đầu tư lắp đặt.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang chia sẻ

Theo Sở Công thương Hà Nội, thành phố có tiềm năng năng lượng mặt trời rất lớn với hàng trăm nghìn mái công trình xây dựng. Theo tính toán, thành phố có thể lắp đặt khoảng 13,94km2, hiệu suất lắp đặt thương mại khoảng 46,6%, cho công suất thương mại khoảng 1.317MWp (tương đương hai phần ba công suất đặt của nhà máy thủy điện Hòa Bình). Tuy nhiên đến nay, trên địa bàn mới có được 2.095 hệ thống điện mặt trời mái nhà đang nối lưới, tổng công suất 33,692MWp, chiếm chưa đến 0,5% tổng công suất điện toàn thành phố.

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã nhận được kiến nghị của nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân mong muốn được lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà với mục đích tự dùng, không phát điện lên lưới điện quốc gia. Các nhà đầu tư cam kết nếu được đầu tư sẽ tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về xây dựng công trình, an toàn phòng cháy, chữa cháy và an toàn điện.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, mong muốn nêu trên của các doanh nghiệp là phù hợp với định hướng phát triển của ngành điện. Cụ thể, theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), phương án phát triển nguồn điện có nội dung: “Ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền bắc và điện mặt trời tự sản, tự tiêu”.

Việc đề xuất đầu tư, lắp đặt điện mặt trời mái nhà để phục vụ mục đích tự dùng còn huy động được nguồn lực xã hội hóa, giảm gánh nặng đầu tư cho ngành điện. Tuy nhiên, hiện các quy định về giá điện, đấu nối hệ thống điện mặt trời mái nhà đã hết hiệu lực từ ngày 1/1/2021, chưa có quy định mới, cụ thể về loại hình điện mặt trời mái nhà mục đích tự dùng, điện mặt trời tự sản, tự tiêu.

Bên cạnh nguồn điện mặt trời mái nhà, thành phố Hà Nội còn có một nguồn cung ứng khác là từ các nhà máy điện rác. Hiện thành phố đang có hai dự án nhà máy điện đốt rác sinh hoạt có phát điện, tổng công suất 127MW, chiếm gần 1% tổng công suất điện của thành phố. Trong đó, dự án nhà máy điện rác Sóc Sơn, công suất 90MW đã vận hành hai tổ máy với công suất 60MW, xử lý được 2.500 tấn rác/ngày đêm.

Tuy nhiên, tổ máy phát thứ 3 (công suất 30MW) chưa thể nghiệm thu đưa vào sử dụng do Bộ Công thương chưa ban hành hướng dẫn triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII. Ngoài ra, dự án nhà máy điện rác Seraphin, công suất 37MW đã khởi công xây dựng tháng 3/2022, cũng chưa được Bộ Công thương chấp thuận phương án điều chỉnh đấu nối lưới điện để đưa vào vận hành, tạo thêm nguồn điện cho thành phố.

Với hiện trạng quy mô hệ thống điện thành phố Hà Nội hiện nay, cơ bản vẫn bảo đảm đủ công suất và có dự phòng. Tuy nhiên, do đặc điểm lưới điện thành phố chủ yếu phụ thuộc nguồn cung từ bên ngoài, nguồn từ năng lượng tái tạo (điện mặt trời và điện rác) chiếm chưa đến 1,5% tổng công suất, nguồn máy phát điện dự phòng chủ yếu là nguồn diezen chỉ phục vụ ngắn hạn cho các cụm phụ tải như bệnh viện, chung cư cao tầng... cho nên trong trường hợp thiếu nguồn, thành phố Hà Nội không thể tự cân đối được.

Dự kiến, thời gian tới, tình hình hệ thống điện vẫn sẽ diễn biến hết sức khó khăn, hệ thống điện tiếp tục tiết giảm phụ tải chủ động, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, hoạt động sản xuất-kinh doanh của các tổ chức, cá nhân. Do đó, thành phố Hà Nội kiến nghị Bộ Công thương có hướng xử lý cụ thể để các tổ chức, doanh nghiệp có thể triển khai lắp đặt các hệ thống điện mặt trời mái nhà; hướng dẫn thực hiện một số nội dung về quy hoạch và đấu nối nhằm sớm đưa các nhà máy điện rác vào vận hành,hỗ trợ nguồn cấp điện cho thành phố.