Tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
Thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đã mang lại những kết quả nhất định, góp phần tạo nguồn cũng như nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Bến Tre.
Toàn tỉnh có 34 ứng viên tham gia Đề án Bến Tre - 50, trong đó có 14 ứng viên là công chức, viên chức, 20 ứng viên là sinh viên. Tính đến cuối năm 2023 có 23 ứng viên hoàn thành khóa học và đang phục vụ trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã bổ sung nguồn nhân lực cán bộ, công chức, viên chức có chất lượng cho các cơ quan hành chính nhà nước.
Tỉnh Bến Tre đang tập trung nâng cao chất lượng trong đào tạo nguồn nhân lực. (Ảnh: HOÀNG TRUNG) |
Từ năm 2021 đến nay tỉnh Bến Tre đã đưa đi đào tạo về chuyên môn 673 người; bồi dưỡng lý luận chính trị:1.843 người; bồi dưỡng quản lý nhà nước: 1.355 người; bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý điều hành: 2.235 người; bồi dưỡng an ninh- quốc phòng: 2.347 người; Chuyên môn nghiệp vụ, chức danh nghề nghiệp: 32.740 người…
Hiện, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh có 23 tiến sĩ, 899 thạc sĩ, 3923 đại học; cấp huyện có 2 tiến sĩ, 88 thạc sĩ, 726 đại học; cấp xã có 35 thạc sĩ, 2945 đại học.
Việc triển khai áp dụng nhiều giải pháp khác nhau đã cung cấp cho hệ thống chính trị của tỉnh Bến Tre nguồn nhân lực cán bộ, công chức, viên chức ngày càng có chất lượng.
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Ngọc Giàu cho biết: “Đến nay, toàn tỉnh có 100% cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo quản lý cấp tỉnh và cấp huyện đạt chuẩn về chuyên môn; 96,74% cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh và 100% cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo quản lý cấp huyện đạt chuẩn về lý luận chính trị; 98,1% cán bộ cấp xã có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên và 86,9% công chức cấp xã có trình độ đại học trở lên. Qua đó, đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý điều hành, cải cách hành chính và thực thi công vụ tại cơ quan, đơn vị, địa phương cũng như là nhân tố quan trọng trong việc huy động có hiệu quả các nguồn lực khác vào việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”.
Nguồn nhân lực chất lượng cao giúp ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. (Ảnh: HOÀNG TRUNG) |
Song song với việc tạo nguồn cán bộ, lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre cũng rất quan tâm đến công tác bố trí, sử dụng nguồn nhân lực cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn cao nhằm tạo điều kiện cho cán bộ phát huy tốt năng lực, cống hiến sức lực, tài trí, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội
Bến Tre là địa phương có nguồn nhân lực khá dồi dào, cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cùng với sự phát triển khá mạnh mẽ các cụm, khu công nghiệp, cơ sở dịch vụ thương mại, du lịch.
Đào tạo nghề cắt gọt kim loại tại Trường Trung cấp nghề Bến Tre. (Ảnh: HOÀNG TRUNG) |
Đến nay, dân số tự nhiên của tỉnh Bến Tre khoảng 1,3 triệu người với lực lượng lao động xấp xỉ 66%. Số người bước vào độ tuổi lao động bình quân hằng năm là trong khoảng 18.000 người, trong đó có khoảng 7.000 người có nhu cầu tìm kiếm việc làm, gần 11.000 người không tham gia các hoạt động kinh tế.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bến Tre có 2 khu công nghiệp với tổng số lao động 33.227 người. Trong đó, lao động địa phương chiếm trên 80% trong tổng số lao động. Lao động phổ thông chiếm khoảng 66% trên tổng số lao động trong các khu công nghiệp với tỷ lệ lao động được đào tạo ở trình độ cao đẳng, đại học chiếm khoảng 15%.
Tỉnh Bến Tre đang ưu tiên thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao, tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp lớn và thân thiện với môi trường, điều này đã phản ánh trình độ lao động trong các khu công nghiệp có sự chênh lệch lớn và nhu cầu cấp bách về nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đào tạo tại tỉnh Bến Tre. (Ảnh: HOÀNG TRUNG) |
Ngoài ra, tỉnh cũng đang tập trung thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ đại học, sau đại học, đào tạo nghề có chuyên môn kỹ thuật cao. Quan tâm phát triển nhân lực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, kỹ thuật số, công nghiệp chế biến thủy sản... đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, nhưng đây là một nhiệm vụ cấp bách và quan trọng. Trong bối cảnh sự tiến bộ và biến đổi không ngừng, việc phát triển nguồn nhân lực này đòi hỏi sự cam kết lâu dài và các giải pháp khoa học và thực tế. Tỉnh Bến Tre đang tập trung phát triển 4 nhóm nguồn nhân lực chủ yếu là nguồn nhân lực trong khu vực công, nguồn nhân lực sự nghiệp, nguồn nhân lực trong khu vực kinh tế và nguồn nhân lực trong xã hội.
PGS-TS Lâm Văn Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre
Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Bến Tre có 60 tiến sĩ hoặc tương đương và 2.000 thạc sĩ trở lên trên tất cả các ngành, lĩnh vực; Đến năm 2045, phấn đấu Bến Tre có 120 tiến sĩ hoặc tương đương và 3.000 thạc sĩ trở lên trên tất cả các ngành, lĩnh vực.
Sản xuất cây giống, hoa kiểng ứng dụng công nghệ cao tại Bến Tre
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết: Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ 11 (nhiệm kỳ 2020-2025), đã xác định nhiệm vụ đột phá là tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với yêu cầu và tầm nhìn chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bến Tre.
Nguồn nhân lực chất lượng cao giúp chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực. (Ảnh: HOÀNG TRUNG) |
Trong đó, xác định để phát triển được nguồn nhân lực chất lượng cao cần chú trọng và gắn kết 3 khâu: Đào tạo, sử dụng và đãi ngộ. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là đầu tư cho phát triển bền vững, tăng khả năng, cơ hội việc làm cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực nhằm đạt tới sự phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa nông nghiệp với các ngành khác để tạo sự bứt phá mới về phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, thúc đẩy thị trường lao động trong nước phát triển, chủ động hội nhập tích cực vào thị trường lao động trong khu vực và thế giới.