Bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động

Giải quyết kịp thời các chính sách đối với người lao động không chỉ mang lại an sinh xã hội mà còn lấp đầy những “lỗ hổng” trong quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Nhân viên y tế Bệnh viện 199 (Bộ Công an) khám sức khỏe cho công nhân khu công nghiệp ở Đà Nẵng.
Nhân viên y tế Bệnh viện 199 (Bộ Công an) khám sức khỏe cho công nhân khu công nghiệp ở Đà Nẵng.

Trong thời điểm nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn sau ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 khiến làn sóng công nhân buộc phải nghỉ việc, mất việc tăng cao.

Theo Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Hùng Anh, đơn vị này hiện quản lý 10.761 doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với 200.879 lao động.

Năm 2022, BHXH thành phố Đà Nẵng giải quyết hưởng BHXH một lần cho 10.823 người (chiếm 71,78% so với năm 2021), số tiền 528.430 triệu đồng (chiếm 80,10% so với năm 2021). Trong 7 tháng đầu năm 2023, giải quyết hưởng BHXH một lần cho 6.567 người (chiếm 90,57% so với cùng kỳ năm 2022), số tiền 357.386 triệu đồng (chiếm 103,53% so với cùng kỳ năm 2022).

Để hạn chế tình trạng người lao động rút BHXH một lần, cần phải có giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của người lao động, bảo đảm người lao động có đủ nguồn lực tài chính để trang trải các chi phí sinh hoạt và có tích lũy để phòng khi rủi ro.

Cần có các chính sách an sinh xã hội hỗ trợ người lao động lúc khó khăn bởi tất cả trường hợp rút BHXH một lần khi họ mất việc làm; sửa đổi Luật BHXH năm 2014 theo hướng giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm; tăng cường quyền lợi của người lao động khi tham gia vào hệ thống an sinh này; tiếp tục duy trì chính sách BHXH một lần, nhưng nghiên cứu sửa đổi theo hướng để người lao động tự quyết định lựa chọn việc thụ hưởng hoặc bảo lưu để nhận chế độ hưu trí lâu dài; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ đem lại lợi ích tối ưu nhất cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH.

Tại Đà Nẵng, hiện nay vẫn còn nhiều đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động.

Bên cạnh khó khăn khách quan do ảnh hưởng của dịch Covid19, thì ý thức chấp hành pháp luật của nhiều chủ sử dụng lao động chưa nghiêm. Nhiều trường hợp bị thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính nhiều lần, vẫn tái diễn.

Điển hình như: Chi nhánh II-Công ty CP công nghiệp Quảng An I tại Đà Nẵng đã nhiều lần thanh tra, năm 2020 chậm đóng tổng cộng hơn 3 tỷ đồng, xử phạt 150 triệu đồng, đến nay chưa nộp, số tiền chậm đóng tiếp tục tăng lên hơn 11 tỷ đồng; Công ty TNHH Empire Hospitality năm 2022 chậm đóng hơn 8,4 tỷ đồng, xử phạt 150 triệu đồng, đến nay số tiền chậm đóng là hơn 8,9 tỷ đồng; Công ty CP Cơ khí-Lắp máy Sông Đà - Chi nhánh 5 tại Đà Nẵng là đơn vị đã bị xử phạt 150 triệu đồng, đến nay vẫn còn chậm đóng hơn 11,2 tỷ đồng (bao gồm lãi chậm đóng hơn 7 tỷ đồng).

Vấn đề doanh nghiệp nợ BHXH số tiền lớn, giải thể doanh nghiệp, không chi trả quyền lợi cho người lao động như cam kết ban đầu, đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người lao động. Đơn cử như Công ty TNHH MTV TBO VINA nợ 14 tỷ đồng BHXH, chủ doanh nghiệp là người nước ngoài đã xuất cảnh và không quay trở lại.

Tình thế buộc Liên đoàn Lao động Đà Nẵng và Công đoàn Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp đã đại diện cho người lao động khởi kiện công ty đòi quyền lợi. Nhưng khi tòa tuyên Công đoàn thắng kiện, thì số tài sản còn lại của công ty này chỉ bán được 1,5 tỷ đồng, mới chỉ được giải quyết nợ tiền lương, không đủ bảo đảm về quyền lợi bảo hiểm cho người lao động.

Thành phố Đà Nẵng đã phải chi hỗ trợ 500 triệu đồng để hỗ trợ các chế độ cho người lao động.

Ông Hữu Nam, từng là tài xế xe buýt tại Chi nhánh II - Công ty CP công nghiệp Quảng An I tại Đà Nẵng, bức xúc vì không may phải nhập viện mổ cấp cứu nhưng vì công ty nợ BHXH, không làm thẻ BHYT dù hằng tháng vẫn trừ lương khiến ông không được hỗ trợ viện phí. “Tiền thì công ty đã trừ vào lương rồi, sổ BHXH thì chưa thể chốt, tôi thì đã nghỉ việc, giờ không biết phải làm sao”, ông Nam bức xúc.

Chị Vũ Thị Hồng Nhung, 39 tuổi, quê Phú Thọ, trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, là công nhân một nhà máy dệt tại Đà Nẵng. Chị nghỉ việc và xin nhận BHXH một lần. Thủ tục hồ sơ đã hoàn tất và không khó khăn gì bởi công ty nơi chị làm việc đóng BHXH đầy đủ cho công nhân.

Nhưng vì tình hình sản xuất của công ty rất khó khăn, khan hiếm đơn hàng, cắt giảm nhân công buộc chị phải nghỉ việc. Đắn đo mãi rồi chị quyết định đăng ký chạy xe ôm công nghệ từ tháng 8.

“Hơn một tháng bạc mặt ngoài trời nắng nóng để mưu sinh, vất vả vô cùng nhưng nếu vẫn tiếp tục làm công nhân thì lương gần 4 triệu đồng/tháng không thể nào xoay xở được. Biết rằng rút BHXH một lần là thiệt, nhưng bây giờ công việc gián đoạn, số năm đóng BHXH của bản thân chưa đủ để có thể chờ nhận lương hưu theo quy định”, chị Nhung cho biết.

Theo thống kê hiện nay, tình trạng nợ BHXH rất phức tạp, số tiền nợ BHXH là hàng trăm tỷ đồng; nhiều doanh nghiệp nợ BHXH triền miên, nhiều chủ doanh nghiệp bỏ trốn khiến người lao động lao đao, thiệt thòi. Nhà nước cần tăng cường quản lý với doanh nghiệp trong việc thực hiện cam kết đóng BHXH đúng quy định nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động.