Bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung

Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
0:00 / 0:00
0:00

Đó là cơ sở để bảo vệ cán bộ, công chức, viên chức dám nghĩ, dám làm, là căn cứ để xây dựng các chính sách ghi nhận, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có ý tưởng, đề xuất đổi mới, sáng tạo phù hợp yêu cầu thực tế và đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng, phát triển Thành phố Hồ Chí Minh nhanh và bền vững. Đó cũng là động lực nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; tạo sự chuyển biến trong công tác cán bộ, góp phần phát hiện, bồi dưỡng và phát huy nhân tài, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và xây dựng văn hóa công vụ.

Các ý tưởng, giải pháp, sáng kiến đột phá theo kế hoạch của thành phố vừa mới ban hành tập trung vào các chương trình, đề án, kế hoạch thành phần thuộc ba chương trình đột phá và một chương trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 11 (nhiệm kỳ 2020-2025); các vấn đề trọng điểm mà thành phố đang gặp khó khăn, vướng mắc về pháp lý, đang tập trung giải quyết...

Để tạo động lực, phát huy tính sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thành phố có những chính sách khen thưởng vượt cấp, vượt bậc, đột xuất với những sáng kiến thực hiện thành công; khen thưởng đặc biệt, vượt trội so với quy định hiện hành đối với những sáng kiến tiêu biểu trong các lĩnh vực, vấn đề cấp bách, trọng điểm của thành phố. Cùng với đó, xem xét đề bạt, đưa vào quy hoạch chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với những người có sáng kiến thực hiện thành công; xem xét đề bạt vượt trội đối với những người có sáng kiến tiêu biểu, xuất sắc; ưu tiên đề bạt ngay từ khi triển khai thực hiện đề án hoặc kế hoạch. Thành phố sẽ đài thọ 100% kinh phí đào tạo, bồi dưỡng (trong và ngoài nước) đối với các cá nhân có sáng kiến tiêu biểu, xuất sắc, sáng kiến thực hiện thành công.

Thành phố cũng đưa ra các cơ chế bảo vệ. Cụ thể, trong quá trình thực hiện sáng kiến, cần đánh giá kết quả một cách khách quan, đầy đủ với từng phần việc cụ thể. Khi kết quả không đạt hoặc chỉ đạt một phần mục tiêu hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân, đánh giá công tâm để có cách xử lý phù hợp. Trường hợp rủi ro đã được dự liệu trước trong kế hoạch thì xem xét, báo cáo và kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, miễn giảm trách nhiệm, nhất là trách nhiệm pháp lý. Trường hợp phát sinh các rủi ro, thiệt hại ngoài dự liệu thì cần xác định rõ nguyên nhân. Trong đó, nếu thực hiện đúng chủ trương, động cơ trong sáng, không vụ lợi cá nhân thì thủ trưởng, cơ quan đơn vị xem xét hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm…

Theo lộ trình, từ tháng 10/2022, mỗi cơ quan, đơn vị đăng ký ít nhất một sáng kiến trình thành phố xem xét phê duyệt, sau đó xây dựng đề án hoặc kế hoạch thực hiện. Từ năm 2023 trở đi, các cơ quan, đơn vị đăng ký giải pháp, sáng kiến theo kế hoạch hằng năm hoặc theo chỉ đạo của thành phố.

Dư luận đánh giá, việc ban hành kế hoạch này nhằm tạo sự đồng thuận cao trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao nhận thức, khơi dậy ý thức trách nhiệm, tinh thần cống hiến, khát vọng đổi mới, sáng tạo; đồng thời, phát huy tính năng động, sáng tạo vốn có và chuyển hóa thành phẩm chất nổi trội của cán bộ, công chức, viên chức thành phố…