Bảo tồn văn hóa gắn với phát triển kinh tế

Có thể thấy, từ chủ trương của cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Yên Bái trong bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn với tăng trưởng kinh tế không chỉ giúp tăng thêm nguồn thu ngân sách cho tỉnh, cải thiện đời sống cả về vật chất và tinh thần của nhân dân, mà còn bảo đảm việc bảo tồn và phát triển các giá trị truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh được bền vững. Tuy nhiên, quá trình này ở Yên Bái đang đặt ra những yêu cầu cần tiếp tục giải quyết.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách trải nghiệm văn hoá dân tộc Mông tại Không gian Văn hoá trà Suối Giàng. (Ảnh: Báo Yên Bái)
Du khách trải nghiệm văn hoá dân tộc Mông tại Không gian Văn hoá trà Suối Giàng. (Ảnh: Báo Yên Bái)

Yên Bái là tỉnh miền núi Tây Bắc của Tổ quốc, có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, được xem là khu vực có bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng nhất trong toàn quốc. Dù đã trải qua hàng nghìn năm xây dựng và phát triển, nhưng văn hóa các dân tộc Tây Bắc, trong đó có Yên Bái luôn giữ cho mình bản sắc riêng biệt, mỗi dân tộc đều có nét văn hóa riêng. Yên Bái được xem là tỉnh có nhiều di sản văn hóa và lễ hội truyền thống của đồng bào khu vực Tây Bắc.

Từ chủ trương, giải pháp đồng bộ

Mới đây, chuỗi sự kiện xúc tiến quảng bá du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ trong khuôn khổ Chương trình hợp tác, phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh, đã thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Trong suốt bốn ngày diễn ra lễ hội, các gian hàng cùng các chương trình của tỉnh Yên Bái đã giới thiệu, lan tỏa những hình ảnh đẹp, những sản phẩm du lịch độc đáo bản sắc, những tiềm năng thế mạnh của vùng đất và con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập".

Đặc biệt, màn trình diễn "Nghệ thuật Xòe Thái", được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, được trình diễn bởi các thiếu nữ của thị xã Nghĩa Lộ để lại nhiều dư âm và ấn tượng tốt đẹp cho đông đảo du khách trong nước và quốc tế tại thành phố mang tên Bác.

Trước đây, có giai đoạn công tác bảo tồn, phát triển văn hóa của tỉnh Yên Bái vẫn còn những bất cập, hạn chế. Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền về công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch chưa đúng mức; sự phối hợp giữa các ngành chưa tích cực và đồng bộ; cơ sở vật chất cho công tác bảo tồn còn nhiều yếu kém, lạc hậu, nhất là đối với cấp huyện, xã…

Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã chủ trương: Phát huy các giá trị của văn hóa trở thành nguồn lực trong phát triển kinh tế-xã hội.

Từ thực tiễn đó, cùng với việc quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc…, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã chủ trương: Phát huy các giá trị của văn hóa trở thành nguồn lực trong phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, với Nghị quyết số 35 về đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái, tỉnh hướng mạnh vào mục tiêu: Phát triển sự nghiệp văn hóa, du lịch phải gắn liền với phát triển kinh tế ở địa phương, phù hợp phong tục, tập quán sinh hoạt của các dân tộc và việc hòa nhập cộng đồng quốc tế.

Từ đó, tỉnh triển khai các giải pháp đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ theo hướng bảo đảm nội dung hoạt động phong phú, có hiệu quả theo định hướng của Nhà nước… và đã tạo luồng sinh khí mới.

Cùng với đó, Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 20/1/2021 của Tỉnh ủy Yên Bái được triển khai, phát huy trách nhiệm cả hệ thống chính trị, huy động tiềm năng, thế mạnh tại chỗ thực hiện hiệu quả chương trình liên kết, hợp tác trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, gắn với bảo tồn văn hóa các dân tộc, tạo môi trường thuận lợi để các địa phương trong vùng liên kết thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa kinh tế du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa

Về thực hiện chủ trương của tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Thị Thanh Bình cho biết, ngành đã tham mưu cho tỉnh xây dựng và thông qua nhiều chương trình, đề án như: Đề án "Bảo tồn, khai thác và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc 4 huyện phía tây tỉnh Yên Bái"; Chiến lược "Bảo tồn và phát triển văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái đến năm 2020"; Đề án "Tổng điều tra và kiểm kê di sản văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái"…

Ngành văn hóa còn phối hợp với các địa phương trong tỉnh tiến hành rà soát các lễ hội, làn điệu dân ca và dân vũ của các dân tộc để có phương án khôi phục, bảo tồn. Điển hình như huyện Văn Chấn đã tập trung sưu tầm, lưu giữ và truyền bá các làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc Khơ Mú, phát huy vai trò nghệ nhân Vi Văn Sang trong thành lập và duy trì đội văn nghệ xã Nghĩa Sơn. Huyện Văn Yên đã phát huy vai trò của người cao tuổi và nghệ nhân Đặng Thị Thanh trong bảo tồn nhạc cụ truyền thống và điệu múa cổ của người Xa Phó tại xã Châu Quế Thượng.

Trên địa bàn Yên Bái hiện có hơn 1.200 di sản văn hóa, trong đó hơn 700 di sản văn hóa vật thể và hơn 400 di sản văn hóa phi vật thể, nhiều di sản và lễ hội nổi tiếng. Bên cạnh giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, tỉnh Yên Bái có nhiều di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia như Căng và Đồn Nghĩa Lộ, đèo Lũng Lô, Khu ủy Tây Bắc, bến Âu Lâu, Chiến khu Vần-Dọc huyện Trấn Yên, Di tích lịch sử Nguyễn Thái Học;… Tỉnh có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: hồ Thác Bà, ruộng bậc thang Mù Cang Chải…

Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tỉnh đã mở các tuyến du lịch văn hóa nhằm khai thác lợi thế du lịch văn hóa, phục vụ phát triển kinh tế địa phương và tổ chức tốt lễ hội văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Những năm qua, Yên Bái đặc biệt coi trọng liên kết vùng, phát triển, quảng bá các sản phẩm du lịch. Nổi bật như Chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh; triển khai ứng dụng tham quan các điểm du lịch của tỉnh Yên Bái trong thế giới ảo không gian ba chiều thuyết minh tự động bằng nhiều ngôn ngữ, giúp du khách khám phá, tham quan nhiều điểm du lịch địa phương như: Paradise Thác Bà, Đảo Xanh, thành phố Yên Bái, Chợ 5.000, không gian trà Suối Giàng, Dragon fly Nghĩa Lộ, Mường Lò Retreat, Lau Camping Phình Hồ, suối nước nóng Trạm Tấu, Le Charm Tú Lệ…

Đồng thời, các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn của tỉnh Yên Bái và Mường La, Bắc Yên của tỉnh Sơn La đã tổ chức liên kết, hợp tác trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, du lịch gắn với bảo tồn văn hóa các dân tộc. Ông Giàng A Dê, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hello Mù Cang Chải phấn khởi nói: "Nhờ làm tốt công tác kết nối tua giữa các huyện lân cận và phát huy thế mạnh của các hoạt động trải nghiệm, dịch vụ tại chỗ, chúng tôi đón được các đoàn khách liên kết trải nghiệm tua leo núi, ngắm cảnh, săn mây...

Quá trình đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển kinh tế ở Yên Bái cũng đặt ra yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp cần coi trọng đổi mới cơ chế quản lý, đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách.

Nhân dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sắp tới, huyện Văn Yên sẽ tổ chức nhiều hoạt động du lịch đặc sắc, hấp dẫn, như xã Nà Hẩu sẽ tổ chức mùa hè du lịch năm 2023 với chủ đề "Hang động thác nước, cùng bước vào hè". Vùng đất "Cao sơn ngọc quế" huyện Văn Yên đã được nhiều khách du lịch lựa chọn bởi cảnh sắc tuyệt đẹp với nhiều sự kiện đa dạng, hấp dẫn tại các khu, điểm du lịch cùng sự thân thiện, mến khách của người dân…".

Tuy nhiên, quá trình đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển kinh tế ở Yên Bái cũng đặt ra yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp cần coi trọng đổi mới cơ chế quản lý, đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách bảo đảm các hoạt động văn hóa, văn nghệ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân.

Mặt khác, thiết nghĩ tỉnh cần đầu tư có trọng điểm vào các di sản văn hóa truyền thống gắn liền xây dựng các sản phẩm văn hóa, du lịch mang nét đặc sắc riêng của tỉnh và vùng Tây Bắc. Tựu trung, làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ, thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh của sự phát triển.