Hiệu quả “kép” ở thị xã vùng cao
Nghĩa Lộ nằm ở trung tâm vùng lòng chảo Mường Lò, mang danh tiếng của một trong bốn mường lớn nhất Tây Bắc: “Nhất Thanh (Điện Biên), nhì Lò (Nghĩa Lộ), tam Than (Than Uyên), tứ Tấc (Phù Yên)”. Sự đặc sắc của văn hóa dân tộc Thái đến nay vẫn còn được lưu giữ và phát triển thành sản phẩm du lịch Nghĩa Lộ như: Hạn Khuống, xòe Thái, khèn bè, trang phục, ẩm thực, nghệ thuật và văn hóa dân gian. Trong những năm qua, văn hóa-du lịch Nghĩa Lộ gắn liền với việc khai thác các giá trị nổi bật của người Thái, làm nên thương hiệu riêng của mình cho du lịch. Lễ hội văn hóa-du lịch Mường Lò được tổ chức vào dịp tháng 9, tháng 10 trình diễn những tinh hoa của văn hóa Mường Lò, với nhiều hoạt động độc đáo, hấp dẫn, thu hút lượng khách lớn nhất trong năm.
Hiện nay, du lịch Nghĩa Lộ đã hình thành các tuyến như: Nghĩa Lộ-Mù Cang Chải liên kết tour du lịch tham quan Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang, đèo Khau Phạ, thăm các cơ sở chế tác công cụ lao động, các lễ hội của đồng bào H’Mông; tuyến Nghĩa Lộ-Văn Chấn tham quan vùng chè Suối Giàng, tuyến Nghĩa Lộ-Văn Yên tìm hiểu văn hóa người Dao, lễ hội Quế, đền Đông Cuông. Nghĩa Lộ còn mở rộng liên kết các tỉnh Tây Bắc xây dựng các tour tuyến du lịch gắn với các điểm du lịch nổi tiếng như Sa Pa, Điện Biên Phủ... Cơ sở lưu trú cũng được mở rộng và cải thiện rõ rệt.
Phát triển du lịch giúp cho nhiều thôn, bản bảo tồn được kiến trúc nhà truyền thống (nhà sàn dân tộc Thái, dân tộc Mường), ngôn ngữ, ẩm thực, trang phục. Phong tục cưới hỏi, tang lễ vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống, linh hoạt song hành các yếu tố hiện đại, tạo nên bức tranh văn hóa sinh động. Nghĩa Lộ đã tổ chức các lớp dạy chữ Thái cổ, dạy múa xòe, dạy chế tác và sử dụng khèn bè của người Thái, đặc biệt chú trọng đến đối tượng là thế hệ trẻ. Đến nay, thị xã đã cơ bản đưa nghệ thuật xòe Thái vào trong các trường học, tạo thành một nét sinh hoạt đặc sắc, góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản đã được UNESCO ghi danh.
Du lịch: Không gian bảo tồn di sản
Nhìn từ Nghĩa Lộ, có thể thấy du lịch là công cụ hữu hiệu giúp tận dụng nguồn lực tài nguyên di sản văn hóa phục vụ phát triển cộng đồng - đồng thời có khả năng cải thiện các điều kiện kinh tế và văn hóa hướng đến tiến bộ xã hội và phát triển bền vững.
Du lịch là ngành kinh tế có định hướng tài nguyên rõ rệt. Các sản phẩm du lịch khai thác tài nguyên văn hóa-lịch sử là một trong những lĩnh vực lớn nhất, có sức lan tỏa và phát triển nhanh nhất của ngành du lịch hiện nay. Du lịch di sản khai thác các giá trị tài nguyên văn hóa, trong đó có thể kể đến: các yếu tố phi vật thể như âm nhạc, khiêu vũ, ngôn ngữ, tôn giáo, ẩm thực, truyền thống nghệ thuật và lễ hội; các yếu tố vật thể như các tượng đài, các tòa nhà công cộng lịch sử, nhà ở, trang trại, lâu đài và thánh đường, bảo tàng cũng như các di tích và hiện vật khảo cổ học.
Ở nhiều nơi, di sản văn hóa đã trở thành linh hồn của các điểm đến du lịch và theo chiều ngược lại, phát triển du lịch di sản có tác động tích cực đến cộng đồng cư dân sở tại. Các tác động tích cực có thể thấy ngay được gồm: Truyền sức sống cho văn hóa truyền thống, cùng với khách du lịch bảo tồn và duy trì tài sản di sản văn hóa, đồng thời cải thiện thái độ tôn trọng tính đa dạng và dị biệt trong xã hội đa văn hóa; Phát triển kinh tế và có thể trực tiếp cải thiện cơ sở hạ tầng địa phương. Điều quan trọng nhất là: Doanh thu từ du lịch có thể được tái đầu tư để khai thác và quản lý tài nguyên di sản, tăng tính bền vững của di sản văn hóa.
Lấy cộng đồng làm cốt lõi
Tuy nhiên, du lịch di sản văn hóa cũng dễ gây ra các tác động tiêu cực: Tình trạng quá tải ở điểm di sản dẫn đến các tổn hại về tài nguyên du lịch và môi trường; Suy thoái tự nhiên của tài sản văn hóa xảy ra khi không đủ nguồn lực để thực hiện các chương trình bảo vệ. Các di sản có nguy cơ bị tổn thương vĩnh viễn, biến mất hoặc không có cách nào chống lại sự ảnh hưởng của văn hóa tiêu dùng với dân địa phương, đặc biệt là giới trẻ, khi họ từ bỏ phong tục truyền thống.
Du lịch di sản nhất thiết phải xem “cộng đồng” như yếu tố cốt lõi tạo nên giá trị di sản và khả năng phát triển cộng đồng phải được xem như đích đến của việc khai thác di sản phục vụ du lịch. Điều đầu tiên trong phát triển cộng đồng là tận dụng tối đa nguồn lực của cộng đồng, trong đó cốt lõi là nguồn lực con người (địa phương) và nguồn tài nguyên mà họ sở hữu. Họ không những là lực lượng chủ đạo trong công cuộc phát triển du lịch mà còn góp phần quan trọng nhất vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.
Hạn Khuống là một nét văn hóa truyền thống của người Thái vùng Mường Lò (Nghĩa Lộ). Theo tiếng Thái, “Hạn” có nghĩa là tre, nứa và “Khuống” là sân, đất trong bản. Hạn Khuống, là một cái sàn bằng tre, nứa dựng lên ở sân đất ngoài trời với bếp lửa và những cây “lắc sáyk” (như cây nêu của người Việt) dành cho nam, nữ chưa lập gia đình tới cùng diễn xướng, đối đáp để tìm hiểu, giao duyên và hình thành những gia đình mới. Hạn Khuống của người Thái là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2017.