Thái Nguyên bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc

NDO - Thái Nguyên đang hướng tới là một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, nhưng vẫn chú trọng bảo tồn, trao truyền và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đa dạng, phong phú của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đó là kết quả từ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, nỗ lực của ngành văn hóa, cùng với ý thức tự gìn giữ, phát huy bản sắc riêng có của văn hóa mỗi dân tộc trên địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng bào Sán Chay, xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương múa Tắc xình.
Đồng bào Sán Chay, xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương múa Tắc xình.

Là một tỉnh trung du miền núi, Thái Nguyên có hơn 50 dân tộc thiểu số với tổng số gần 400 nghìn người, chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh. Nhiều dân tộc thiểu số trên địa bàn có truyền thống, bản sắc văn hóa đặc sắc, riêng có, tạo nên sự đa dạng, phong phú bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh.

Những năm qua, thu hút đầu tư ở mức cao, kinh tế thị trường, xã hội, đô thị hóa, công nghệ thông tin phát triển, cơ cấu lao động chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp, dịch vụ, hạ tầng giao thông đến các làng, bản xa ngày càng thuận lợi. Việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cũng đứng trước những thách thức lớn.

Trên thực tế, một số loại hình văn hóa truyền thống đã bị mai một, ngành chức năng và người dân mất nhiều công sức để sưu tầm, phục dựng lại.

Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, nỗ lực của ngành văn hóa, đặc biệt là ý thức tự hào, tự tôn của mỗi dân tộc mà bản sắc, giá trị văn hóa được bảo tồn, phát huy, khẳng định sức sống của văn hóa truyền thống trong xã hội hiện đại.

Những năm gần đây, tại xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, giáp với thành phố Thái Nguyên có nhiều khu đô thị, khu dân cư mới mọc lên, không gian nông thôn, làng quê dần biến đổi.

“Hát Soọng cô là nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc Sán Dìu, là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nên chúng tôi phải gìn giữ, trao truyền cho thế hệ sau để xã hội có phát triển đến thế nào, đi đến đâu thì chúng tôi vẫn là mình với bản sắc, văn hóa riêng có”.

Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Soọng Cô xóm Tam Thái, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ Thẩm Dịch Thọ,

Trong bối cảnh đó, đồng bào dân tộc Sán Dìu xóm Tam Thái, xã Hóa Thượng vẫn duy trì Câu lạc bộ hát Soọng cô dù không có kinh phí hoạt động, trong đó có nhiều thành viên trẻ tuổi. Tại các dịp lễ tết, hội làng, nhiều ông bà dù tuổi đã cao, bạn trẻ với trang phục truyền thống, say sưa hát Soọng Cô với sự hào hứng đón nhận, thưởng thức của người dân.

Ông Thẩm Dịch Thọ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Soọng Cô xóm Tam Thái, tâm sự: “Hát Soọng cô là nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc Sán Dìu, là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nên chúng tôi phải gìn giữ, trao truyền cho thế hệ sau để xã hội có phát triển đến thế nào, đi đến đâu thì chúng tôi vẫn là mình với bản sắc, văn hóa riêng có”.

Thái Nguyên bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc ảnh 1

Múa Tắc xình là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương có gần 200 gia đình, trong đó khoảng 95% là đồng bào dân tộc Sán Chay, vào dịp đầu xuân, bà con lại tổ chức lễ hội Cầu mùa để vừa bảo tồn văn hóa truyền thống, vừa thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, cầu mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, người dân khỏe mạnh, cuộc sống no đủ, hạnh phúc.

Đến nay, tỉnh Thái Nguyên có gần 20 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, mới đây nhất là Lễ hội Núi Văn-Núi Võ ở xã Văn Yên, huyện Đại Từ và Tri thức dân gian trồng và chế biến chè Tân Cương, thành phố Thái Nguyên được xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội Cầu mùa của đồng bào Sán Chay không thể thiếu múa Tắc xình, nghi lễ cầu mong thần linh phù hộ, thời tiết thuận lợi, với nhạc cụ thô sơ, điệu múa dân dã, mộc mạc mô phỏng những hoạt động nông nghiệp, thể hiện sự cần cù, vượt qua khó khăn, thử thách của thiên nhiên để có cuộc sống tốt đẹp hơn nên có sức sống trong cộng đồng, hấp dẫn du khách. Lễ hội cầu mùa và múa Tắc xình của đồng bào dân tộc Sán Chay là di sản văn hóa quốc gia.

Đến nay, tỉnh Thái Nguyên có gần 20 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, mới đây nhất là Lễ hội Núi Văn-Núi Võ ở xã Văn Yên, huyện Đại Từ và Tri thức dân gian trồng và chế biến chè Tân Cương, thành phố Thái Nguyên được xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo thống kê, kiểm kê của ngành văn hóa, tỉnh Thái Nguyên có hàng trăm di sản văn hóa phi vật thể, cho thấy sự phong phú, đa dạng của văn hóa các dân tộc trên địa bàn.

Thái Nguyên bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc ảnh 2

Bà con dân tộc Sán Dìu, xóm Tam Thái, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, hát Soọng cô.

Với những di sản văn hóa quốc gia, hầu hết các địa phương, làng xã trên địa bàn đều thành lập câu lạc bộ, như Câu lạc bộ hát Soọng cô, múa Tắc xình, hát Sấng cọ... để bảo tồn, trao truyền thế hệ, thỏa mãn, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tâm linh của người dân.

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên, việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản không chỉ thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, mà còn đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh, làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân. Tỉnh cũng đang có nhiều giải pháp tích cực để gắn bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch.