Ðầu tháng 8, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cùng các đơn vị, sở, ngành thành phố tổ chức chương trình cấp thẻ căn cước cho 117 trường hợp người bệnh đang được chăm sóc, điều trị tại Trung tâm Bảo trợ người tàn tật Hiệp Bình Chánh (thành phố Thủ Ðức).
Trung tá Nguyễn Thị Hồng Châu, Ðội trưởng Ðội 2, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các đơn vị tổ chức việc cấp căn cước cho người lớn tuổi lang thang, cơ nhỡ, không có thân nhân. Tuy việc khai thác, thu thập các thông tin của các công dân gặp nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau", các cán bộ, chiến sĩ đã hoàn tất việc thu thập thông tin. Việc cấp căn cước cho các đối tượng sẽ góp phần hỗ trợ cũng như tạo thuận lợi để các công dân tiếp cận với các dịch vụ an sinh xã hội, dịch vụ thiết yếu trong đời sống hằng ngày.
Chia sẻ cùng các cán bộ, chiến sĩ thực hiện việc cấp căn cước công dân cũng như các công dân được làm giấy tờ tùy thân đợt này, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ người tàn tật Hiệp Bình Chánh Trần Minh Tâm cho biết, công tác cấp giấy tờ tùy thân cho các đối tượng đang sinh hoạt tại đây được thực hiện rất kịp thời khi các đối tượng đều bị hạn chế về sức khỏe, di chuyển khó khăn.
Theo Thượng tá Hồ Thị Lãnh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, hơn một năm triển khai và thực hiện chương trình, lực lượng chức năng đã cấp gần 2.000 căn cước công dân, thẻ căn cước cho các trường hợp nhân khẩu đặc biệt trên địa bàn thành phố. Với những công dân này, thẻ căn cước là giấy tờ tùy thân giúp họ đủ điều kiện được cấp thẻ bảo hiểm y tế và hưởng nhiều quyền lợi an sinh xã hội khác.
Mới đây, Ban Văn hóa-Xã hội, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát và lập danh sách cấp giấy khai sinh, mã số định danh, đăng ký thường trú và căn cước công dân đối với các nhóm trẻ em, thanh niên (từ 16-18 tuổi) có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ trong các cơ sở trợ giúp trẻ em, lớp học tình thương tại quận Bình Thạnh và Quận 7.
Bà Phạm Thị Ðoan, đại diện Trường Phổ cập phường 25, quận Bình Thạnh cho biết, trong 145 trẻ học tập tại trường có 5 trẻ em chưa được cấp giấy khai sinh, khoảng 6-7 em chưa có mã định danh. Nguyên nhân do phần lớn trẻ là con của người dân nhập cư, gia đình khó khăn, bố mẹ không quan tâm; gia đình chuyển chỗ ở liên tục, chưa đăng ký tạm trú,…
Qua kiểm tra thực tế, ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng ban Văn hóa-Xã hội đề nghị, quận Bình Thạnh tiếp tục có sự chỉ đạo rà soát, xác minh, kiểm tra tiến độ, lập danh sách các trường hợp không có đầy đủ giấy tờ tùy thân để nhanh chóng có biện pháp hỗ trợ, xử lý. Ngoài ra, quận cần có giải pháp cho sự cư trú không ổn định của gia đình các trường hợp trẻ chưa có giấy tờ. Chính quyền địa phương sở tại cần cùng các địa phương khác chủ động rà soát, hỗ trợ cấp giấy tờ tùy thân cho các trường hợp đã chuyển chỗ ở.
Thời gian qua, công tác thực hiện chính sách đặc thù chăm lo, hỗ trợ người cao tuổi, trẻ mồ côi và những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố được các sở, ngành, đơn vị quan tâm thực hiện.
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố cho biết, thành phố xác định, các hoạt động chăm lo, hỗ trợ nhằm mục tiêu kịp thời hỗ trợ người cao tuổi, trẻ mồ côi và những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn chưa được hưởng chính sách xã hội để ổn định cuộc sống, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Các công tác này cũng đồng thời thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các đối tượng, trong đó có các quyền lợi được hưởng đầy đủ các quyền theo quy định.
Ông Nguyễn Tăng Minh, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các đơn vị triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. Quá trình thực hiện phải đồng bộ, thống nhất, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị-xã hội với phương thức hỗ trợ linh hoạt, thuận lợi đối với từng đối tượng được hưởng chính sách. Ðơn cử, đối với nhóm trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt chưa được hưởng trợ cấp xã hội theo Nghị định số 20/2021/NÐ-CP: Trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ và bị người còn lại bỏ rơi, sống với ông, bà hoặc người nuôi dưỡng nhưng hiện nay ông, bà hoặc người nuôi dưỡng đều đã tử vong được chăm lo, hỗ trợ: Cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí (trừ trẻ em dưới 6 tuổi); hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập, giáo dục thường xuyên bằng với mức học phí do Hội đồng nhân dân thành phố quy định; riêng trường hợp trẻ em đang học tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục thì mức hỗ trợ học phí bằng với mức học phí của trường công lập; mức hỗ trợ 2,5 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội của thành phố quy định/trẻ dưới 4 tuổi/tháng; mức hỗ trợ 1,5 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội của thành phố quy định/trẻ từ đủ 4 tuổi trở lên/tháng.