Bảo đảm cung ứng hàng hóa để bình ổn thị trường

Do ảnh hưởng của mưa lũ, thị trường hàng tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội chịu nhiều tác động, giá một số loại rau xanh tăng cao. Các cơ quan chức năng, doanh nghiệp đang nỗ lực khai thác nguồn cung, bảo đảm cung ứng hàng hóa, bình ổn thị trường, người tiêu dùng có thể yên tâm, không cần tích trữ quá mức cần thiết.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân mua hàng tại siêu thị Winmart Royal City.
Người dân mua hàng tại siêu thị Winmart Royal City.

Mưa lũ kéo dài nhiều ngày qua khiến lượng rau xanh trên thị trường Hà Nội giảm hẳn so với bình thường. Tại các chợ, lượng cung rau xanh giảm, giá tăng cao. Các hàng bán rau chỉ có khoảng 20-30% là các loại rau ăn lá như rau muống, rau cải…, còn lại chủ yếu là các loại củ, quả như bí xanh, bầu, mướp, củ cải, khoai tây…

Chị Nguyễn Thị Minh, kinh doanh rau quả tại chợ Hàng Da (quận Hoàn Kiếm) cho biết, mưa ngập cho nên rau xanh bị hỏng, chị chỉ có vài mớ rau muống, rau ngót để bán. Chưa kể, mưa gây ngập úng, đổ cây trên nhiều tuyến đường nên việc vận chuyển rau từ các vùng ngoại thành về trung tâm cũng vất vả hơn. Giá nhiều loại rau xanh ăn lá đã tăng gấp đôi, gấp ba ngày thường. Ðơn cử, rau muống đã tăng lên 30 nghìn đồng/mớ, rau ngót 20 nghìn đồng/mớ, bí xanh 30 nghìn đồng/kg…

Tại các siêu thị trên địa bàn Thủ đô, nguồn hàng hóa vẫn được bảo đảm, không có biến động về giá. Phó Tổng Giám đốc hệ thống siêu thị BRGMart Nguyễn Thị Hiền cho biết, từ chiều 10/9, hệ thống siêu thị BRGMart ghi nhận nhu cầu mua sắm hàng hóa tăng mạnh khoảng 70-80% so với ngày thường, tập trung chủ yếu ở các mặt hàng thực phẩm ăn liền và các loại nước tinh khiết, nước khoáng... Nguyên nhân do người dân có nhu cầu tích trữ hàng hóa và cung cấp cho các hoạt động từ thiện hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bão số 3 và lũ lụt. Với các mặt hàng thiết yếu như gạo, dầu, nước mắm và thực phẩm tươi sống, rau củ quả, thịt, cá, các loại giấy ăn, giấy vệ sinh, sức mua cũng tăng khoảng 30-35%, nhưng hệ thống vẫn bảo đảm cung ứng đầy đủ. Do ảnh hưởng bởi bão nên lượng rau ăn lá tại hệ thống BRG bị hạn chế hơn ngày thường nhưng không có biến động về giá.

Tương tự, tại hệ thống siêu thị WinMart/WiN, những ngày gần đây, lượng khách đến siêu thị đã tăng hơn hẳn ngày thường. Hiện tại, các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt, cá, rau củ, cùng các sản phẩm thiết yếu như gạo, mì… vẫn được siêu thị cung cấp đầy đủ với giá cả ổn định, không có hiện tượng tăng giá.

Ðể bảo đảm nguồn cung hàng hóa khi nhiều vùng trồng tại các tỉnh phía bắc bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp đang tích cực khai thác nguồn hàng từ các tỉnh phía nam.

Ông Phạm Văn Hùng, Trưởng nhóm Thu mua ngành hàng tươi sống của siêu thị Mega Market cho biết, doanh nghiệp đang thực hiện tăng dự trữ nguồn hàng thực phẩm do lo ngại sự gián đoạn chuỗi cung ứng có thể xảy ra nếu các tỉnh Hải Dương và Sơn La bị ngập vì bão, lũ. Ðơn vị đã tăng gấp ba lần các chuyến xe vận chuyển rau, củ, quả từ trạm cung ứng tại Lâm Ðồng ra các tỉnh phía bắc, đồng thời, vẫn bảo đảm nguồn cung thịt lợn do có trạm thu mua và trung chuyển thịt lợn ngay tại Hà Nội.

Giám đốc vận hành sản xuất Công ty TNHH Ðầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp WinEco (thành viên của Tập đoàn Masan) Hà Long Thành cho biết, WinEco đã triển khai ngay kế hoạch thu hoạch, vận chuyển và phân phối nông sản từ miền nam ra miền bắc, nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt rau củ do thiên tai. Từ ngày 8/9, mỗi ngày có gần 100 tấn rau, củ thiết yếu đã được vận chuyển ra miền bắc. Ngoài ra, để bảo đảm duy trì ổn định nguồn hàng, WinEco đẩy mạnh hoạt động sản xuất tại các nông trường ở Lâm Ðồng và miền nam.

Tương tự, đại diện Central Retail Việt Nam cho biết, đơn vị đã chuẩn bị những chuyến xe tăng cường hàng hóa cho các siêu thị GO!, Big C miền bắc, trung bình mỗi chuyến xe hàng hóa đi từ Ðà Lạt (Lâm Ðồng) giao cho siêu thị tại miền trung và miền bắc đã tăng lên 75-80 tấn/chuyến, gấp đôi bình thường. Nhờ đó, các siêu thị GO!, Big C đã tăng lên 100% sản lượng hàng rau củ so với ngày thường.

Ðể bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân, Sở Công thương Hà Nội đã đề nghị ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, các đơn vị kinh doanh thương mại, đơn vị quản lý, kinh doanh khai thác chợ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hóa trên địa bàn; tạo điều kiện và hỗ trợ các đơn vị tổ chức tốt công tác chuẩn bị nguồn hàng và bán hàng phục vụ nhân dân.

Bên cạnh đó, thực hiện cứu trợ theo phương án đã xây dựng để bảo đảm đời sống nhân dân, nhất là khu vực bị chia cắt, cô lập do ảnh hưởng của bão, lũ. Các đơn vị tăng cường kết nối, tìm kiếm thêm các nguồn hàng (nhất là mặt hàng rau xanh) từ các tỉnh, thành phố không bị ảnh hưởng mưa, lũ để hoạt động cung ứng của đơn vị không bị gián đoạn.

"Các ngành chức năng sẽ theo dõi thường xuyên tình hình luân chuyển và giá cả hàng hóa thiết yếu trên thị trường để kịp thời triển khai biện pháp bảo đảm cung cầu hàng hóa, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến" - Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh nhấn mạnh.