Báo chí góp phần lan tỏa giá trị các tác phẩm văn học, nghệ thuật

Báo chí, xuất bản đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng thông qua những bài viết, chương trình giới thiệu trên các ấn phẩm báo chí đã được phổ biến rộng rãi, qua đó góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến với công chúng.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh trong vở rối nước "Anh hùng Nguyễn Trung Trực" của nhà hát Nghệ thuật Phương Nam.
Cảnh trong vở rối nước "Anh hùng Nguyễn Trung Trực" của nhà hát Nghệ thuật Phương Nam.

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục của cả nước, hoạt động báo chí và văn học nghệ thuật sôi động càng thể hiện rõ sự liên hệ, gắn bó mật thiết giữa báo chí và văn học nghệ thuật. Báo chí luôn thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật; giới thiệu tác phẩm, phê bình… các tác phẩm văn học, nghệ thuật; tạo ra một bộ phận công chúng quan tâm, thưởng thức các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Từ những bài viết đó, báo chí đã tham gia định hướng thẩm mỹ cho công chúng về các tác phẩm văn học, nghệ thuật phù hợp, góp phần nâng cao giá trị đời sống văn hóa, con người thành phố.

Sau đợt dịch Covid-19, nhiều tác phẩm về chủ đề phòng chống dịch đã lần lượt ra đời của nhiều tác giả, từ nhà văn, nhà thơ, nhà báo chuyên nghiệp đến các bác sĩ, y tá, hay những cây bút không chuyên khác đã tạo nên một dòng tác phẩm riêng biệt, tạo ấn tượng cho bạn đọc. Qua những bài giới thiệu trên báo chí, độc giả cảm nhận được tấm lòng của đội ngũ y, bác sĩ luôn tận tâm với người bệnh, thấy được tình người lấp lánh trong hoạn nạn, và thấy được những ước mơ, hy vọng về một tương lai tươi đẹp sẽ trở lại với người dân Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.

Bên cạnh đó, thời gian qua, báo chí cũng đã góp phần lan tỏa ý nghĩa của việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, một chủ trương lớn của thành phố. Thông qua các bài viết trên các tờ báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử,… độc giả cảm nhận một không gian văn hóa Hồ Chí Minh đang hình thành ở khắp mọi nơi trên địa bàn thành phố, với nhiều cách làm hay, sáng tạo, được người dân đồng tình ủng hộ và tham gia.

Thực tiễn gần 40 năm đổi mới cho thấy, báo chí, xuất bản luôn phát huy vai trò xung kích trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa, tham gia tích cực vào việc quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn nhiều ý kiến về hạn chế của công tác phê bình văn học, nghệ thuật thời gian qua. Theo PGS, TS Trần Luân Kim, Ủy viên Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, báo chí, xuất bản từng có thời gian sao nhãng trong việc cung cấp tri thức, xử lý thông tin, trau dồi lý tưởng và bồi dưỡng cảm thụ văn học, nghệ thuật.

Báo chí, xuất bản cũng từng có lúc chạy theo thị trường, đưa tin giật gân, làm ảnh hưởng xấu tới chức năng nhiệm vụ của mình, như thiếu tập trung tuyên truyền, lý giải, phân tích nhằm thúc đẩy sáng tác tốt hơn. Nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long cho biết, trên thực tế, gần như vấn đề lý luận phê bình văn học, nghệ thuật phần lớn là do các nhà báo nắm giữ hơn là chính những người được đào tạo từ khoa lý luận phê bình ở các trường văn hóa nghệ thuật. Hầu hết các nhà báo ở lĩnh vực văn học, nghệ thuật đều được đào tạo từ các trường đại học báo chí và ngữ văn, nhưng tốt nghiệp một trường văn không có nghĩa là có ngay trình độ lý luận vững chắc để có thể có đủ bản lĩnh và trình độ thẩm định chính xác.

Theo PGS, TS Trần Luân Kim, báo chí, xuất bản gắn liền với hoạt động văn học, nghệ thuật, thành tựu hay yếu kém của bên này luôn ảnh hưởng tới bên kia. Thực tế cho thấy, xã hội đang thiếu những tác phẩm có khả năng dự báo và cảnh báo. Chúng ta cũng thiếu những tác phẩm đề cập các đề tài quan thiết, tác động sâu đậm tâm cảm công chúng. Điều này tác động không nhỏ đến công tác phê bình văn học, nghệ thuật, khi thiếu tác phẩm có chất lượng để có thể quảng bá, tuyên truyền rộng rãi đến công chúng.

Nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long cho rằng, muốn có những bài phê bình chuẩn xác từ phương tiện truyền thông phải có sự đồng hành, hợp tác từ hai phía: Các hội chuyên ngành văn học, nghệ thuật và chính bản thân những nhà báo viết phê bình, nhất là với các nhà báo trẻ mới vào nghề. Các hội cần có những khóa học ngắn hạn về lý luận phê bình chuyên ngành nghệ thuật của mình và bản thân các nhà báo tự nỗ lực để vươn lên thì cả hai sẽ cùng gặp nhau. "Nhưng nói cho cùng, học hành, nghiên cứu là một việc, nhưng nhà phê bình không đứng trên chữ tâm để viết thì rất dễ đi vào cực đoan với cái nhìn phiến diện" - nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long chia sẻ thêm.

Nhà báo Đức Hiển, Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn báo chí cần tận dụng nền tảng mạng xã hội trong việc tuyên truyền các tác phẩm văn học, nghệ thuật, không gian văn hóa Hồ Chí Minh để thu hút đông đảo người xem hơn, nhất là giới trẻ, từ đó tạo sự lan tỏa cao.

Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thọ Truyền, các cơ quan lãnh đạo thành phố cần chỉ đạo các cơ quan báo chí có sự cân bằng trong các thể loại bài viết, ưu tiên những bài giới thiệu, cổ vũ cho văn hóa nghệ thuật truyền thống nhằm bảo tồn, phát huy những tài sản vô giá của văn hóa nghệ thuật mà ông cha đã gìn giữ, trao truyền.

Song song đó, các báo cần ưu tiên những bài viết giới thiệu, cổ vũ những loại hình nghệ thuật âm nhạc hàn lâm nhằm góp phần từng bước nâng cao dân trí. "Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật để có thể lan tỏa nhanh, mạnh trên các phương tiện truyền thông, qua đó góp phần giới thiệu, quảng bá về một thành phố năng động, nghĩa tình, giàu bản sắc" - đồng chí Nguyễn Thọ Truyền nhấn mạnh.

Khi hiệu quả của việc quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật được phát huy, công dân thành phố, nhất là những công dân trẻ sẽ hiểu đúng về lịch sử văn hóa của Việt Nam, của Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh và yêu thành phố, đất nước mình hơn. Khi đã hiểu, đã yêu, những người trẻ sẽ thấy tự hào và trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử văn hóa của dân tộc, của Thành phố Hồ Chí Minh để cùng chung sức dựng xây đất nước, xây dựng thành phố phát triển nhanh, bền vững.