Giám sát công tác quy hoạch, quản lý đất bãi sông, ngoài đê sông Hồng

Bài 1: Tồn tại nhiều trường hợp vi phạm trật tự xây dựng

Đoàn giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội do Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Phạm Quí Tiên làm Trưởng đoàn đã tiến hành giám sát công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi sông, ngoài đê trên địa bàn quận Tây Hồ và huyện Đông Anh. Thực tế cho thấy, mặc dù đã có nhiều chuyển biến, song tại các địa phương vẫn còn nhiều khó khăn trong quản lý đất bãi sông, đất ngoài đê sông Hồng.
Bãi sông đoạn qua phường Tứ Liên, quận Tây Hồ ngập sâu trong đợt mưa lũ tháng 9 vừa qua.
Bãi sông đoạn qua phường Tứ Liên, quận Tây Hồ ngập sâu trong đợt mưa lũ tháng 9 vừa qua.

Đến nay, Quy hoạch một số khu vực của quận Tây Hồ chưa hoàn thiện, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, đất đai, đê điều; nhất là khu vực ngoài bãi sông Hồng. Đến nay, trên địa bàn quận còn tồn tại 1.000 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng chưa giải tỏa được.

Báo cáo với đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ Hoàng Tuấn Anh cho biết, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về đê điều, đất đai, trật tự xây dựng đã được tăng cường. Việc kiểm tra, giám sát chấp hành pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được thực hiện thường xuyên, lập hồ sơ quản lý. Các trường hợp xây dựng vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng trên đất nông nghiệp, xây dựng trên đê, hành lang thoát lũ đã được phát hiện kịp thời. Quận đã ban hành và tổ chức thực hiện các quyết định xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền. Đối với các trường hợp vượt thẩm quyền, Ủy ban nhân dân quận đã trình thành phố ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính.

Để cụ thể hóa Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ đã ban hành kế hoạch lập Quy hoạch chi tiết khu vực phân khu đô thị sông Hồng đối với năm phường ngoài đê: Yên Phụ, Tứ Liên, Quảng An, Nhật Tân, Phú Thượng. Quận phấn đấu trong năm 2024 hoàn thành phê duyệt quy hoạch chi tiết đối với hai phường Yên Phụ và Tứ Liên. Đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã thẩm định bản đồ hiện trạng đối với toàn bộ phạm vi ngoài đê 5 phường. Ủy ban nhân dân quận đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, Ủy ban nhân dân các phường thường xuyên kiểm tra địa bàn được phân công, kịp thời phát hiện các trường hợp xây dựng vi phạm trên đất không đủ điều kiện cấp phép, trên đất nông nghiệp, đất công, đất bãi bồi ven sông. Khi phát hiện vi phạm, lực lượng chức năng lập biên bản kiểm tra hoạt động xây dựng, yêu cầu tổ chức, cá nhân có hoạt động xây dựng dừng thi công, đồng thời báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân phường thiết lập hồ sơ và chỉ đạo bộ phận địa chính thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm đất đai theo quy định. Tổ Quản lý trật tự xây dựng đô thị tại các phường phối hợp với bộ phận địa chính, các bộ phận chuyên môn của phường,

Tổ công tác giúp việc Ủy ban nhân dân phường trong việc thiết lập hồ sơ, xử lý các trường hợp xây dựng vi phạm đê điều, đất đai. Về xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn quận có sáu trường hợp vi phạm. Các trường hợp vi phạm đã cơ bản được xử lý. Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ đã chỉ đạo các đơn vị kiểm tra, rà soát, lập 32 hồ sơ vi phạm trật tự xây dựng; xây dựng trên đất nông nghiệp; xây dựng trên đê, hành lang thoát lũ; trong đó có 21 trường hợp tại phường Yên Phụ; 11 trường hợp tại phường Phú Thượng. Kết quả thực hiện: 24 trường hợp đã thực hiện xong, các trường hợp khác đang trong quá trình xử lý.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả, song đồng chí Hoàng Tuấn Anh cho rằng, do quy hoạch một số khu vực của quận chưa hoàn thiện, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, đất đai, đê điều; nhất là khu vực ngoài bãi ven sông Hồng. Một số trường hợp người dân không còn chỗ ở nào khác nên rất khó giải tỏa vi phạm. Tài liệu hồ sơ pháp lý về đất đai qua nhiều thời kỳ không cập nhật đầy đủ, thường xuyên, kết hợp với tập quán sinh sống mang tính chất làng xã ven đô cũng là những nguyên nhân khiến quá trình sử dụng đất của người dân phức tạp, khó khăn trong việc xác nhận nguồn gốc đất và áp dụng chính sách bồi thường hỗ trợ. Lãnh đạo quận Tây Hồ cũng cho biết, một số trường hợp xây dựng vi phạm chưa được quyết liệt xử lý ngay từ khi phát sinh nên khó cho quá trình xử lý; tiến độ thực hiện một số dự án trên địa bàn còn chậm, kéo dài nên nhiều trường hợp người dân tự ý xây dựng, vi phạm quy định về trật tự xây dựng, đất đai, đê điều…

Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát nhận định, trong số các nguyên nhân, quận cần lưu ý việc tiến độ thực hiện một số dự án trên địa bàn còn chậm, kéo dài nên phát sinh nhiều trường hợp người dân tự ý xây dựng vi phạm trật tự xây dựng, quản lý đất đai, đê điều. Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Phạm Quí Tiên đề nghị quận cần đẩy nhanh tiến độ lập và phê duyệt Quy hoạch chi tiết trên địa bàn quận nói chung và khu vực ngoài đê, bãi sông nói riêng theo Quy hoạch phân khu sông Hồng đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt. Quận phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành quy hoạch chi tiết năm phường. “Khi chưa có quy hoạch được duyệt, quận cần cố gắng giữ được hiện trạng. Sở Quy hoạch-Kiến trúc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với chính quyền quận để thực hiện nhiệm vụ này. Trong đó công tác an toàn chống lũ phải được đặt lên hàng đầu”, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Phạm Quí Tiên lưu ý. Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố yêu cầu, hơn 1.000 trường hợp vi phạm còn lại đều là những trường hợp khó giải quyết. Vì vậy, quận cần phân loại các trường hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố. Trên cơ sở tổng hợp chung những vướng mắc của các quận, huyện khác, thành phố có hướng xử lý một cách tổng thể. Đặc biệt, quận Tây Hồ phải tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo, không để phát sinh các trường hợp vi phạm mới.

(Còn nữa)