Làng sản xuất miến dong Côn Minh được thực hiện trên địa bàn 4 thôn của xã Côn Minh, gồm: thôn Chợ B, Nà Làng, Bản Cuôn, Bản Cảo.
Tại các thôn này có 49 hộ tham gia sản xuất miến dong thường xuyên, chiếm 22,17%.
Hoạt động sản xuất kinh doanh tại đây ổn định, đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định của pháp luật hiện hành.
Cây dong riềng có mặt tại Côn Minh đầu thập niên 70 thế kỷ trước. Lúc đầu dong riềng được đưa vào trồng với diện tích nhỏ lẻ, sau đó tăng dần lên và mở rộng trên phạm vi toàn xã.
Đến đầu những năm 90, khi những người dân miền xuôi lên Côn Minh lập nghiệp mang theo nghề làm miến dong thì nơi đây mới bắt đầu làm miến.
Đến nay, miến Côn Minh đã thực sự trở thành thương hiệu nổi tiếng được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến. Nét riêng biệt của miến dong Côn Minh không chỉ nằm ở hương vị thơm, ngon mà còn ở đặc tính nấu để qua đêm không bị nát, vón cục.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, những năm trở lại đây, nhiều hộ dân trong xã đã thành lập Hợp tác xã miến dong Côn Minh để cùng nhau tìm tòi học hỏi, đầu tư công nghệ làm miến hiện đại thay cho phương pháp thủ công.
Người dân Côn Minh phơi miến dong. (Ảnh: HƯƠNG LAN) |
Đặc biệt, trong xã có sản phẩm miến dong của Hợp tác xã Tài Hoan đã được chứng nhận đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia và xuất khẩu sang thị trường châu Âu từ năm 2020.
Côn Minh hiện có gần 20 cơ sở chế biến tinh bột dong riềng và sản xuất miến dong, tạo việc làm cho hàng trăm nhân công ở địa phương. Trung bình mỗi vụ, toàn xã sản xuất được gần 1.000 tấn miến, thu về khoảng 50 tỷ đồng.
Khi được công nhận, làng nghề sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các hộ sản xuất, kinh doanh cũng như người dân địa phương.
Không chỉ là vấn đề thương hiệu được nâng tầm, được công nhận làng nghề giúp việc đăng ký quản lý truy gốc nguồn gốc xuất xứ tốt hơn đồng thời tăng cường tình đoàn kết cộng đồng, phát triển nghề một cách bền vững.
Bên cạnh làng nghề miến dong, Bắc Kạn cũng đang xúc tiến xây dựng, công nhận làng sản xuất rượu Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn.
Tại đây, trên địa bàn 4 thôn Nà Pài, Bản Quân, Nà Hồng, Bản Khiếu hiện có 338 hộ dân sinh sống thì có 172 hộ làm nghề nấu rượu, đạt 50,88%.
Đặc biệt, sản phẩm rượu men lá của Hợp tác xã Thanh Tâm tại đây đã xuất khẩu sang Nhật Bản.