Cải thiện môi trường tại các làng nghề truyền thống

Theo số liệu của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), Hà Nội còn 48 làng nghề truyền thống, 270 làng nghề và 488 làng có nghề, mang lại những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn.
0:00 / 0:00
0:00
Vẽ hoa văn lên sản phẩm tại làng gốm Bát Tràng, Hà Nội. (Ảnh TUỆ NGHI)
Vẽ hoa văn lên sản phẩm tại làng gốm Bát Tràng, Hà Nội. (Ảnh TUỆ NGHI)

Tuy nhiên, mặt trái của kinh tế làng nghề là ô nhiễm môi trường. Không khí tại các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm thường bị ô nhiễm do đốt nhiên liệu, do sự phân hủy yếm khí các chất hữu cơ có trong nước thải, chất thải rắn như CO2, NH3, CH4.

Không khí tại các làng nghề mây tre đan, làm nón, tăm hương... bị ô nhiễm do khâu sấy chống mốc dùng diêm sinh gây phát sinh một lượng lớn khí SO2. Không khí tại các làng nghề dệt nhuộm bị ô nhiễm do bụi bông, bụi than, hơi hóa chất, xút thải...

Ô nhiễm làng nghề còn khiến cho tỷ lệ người dân có thể mắc bệnh tại các làng nghề có xu hướng tăng cao, nhất là các nhóm người trong độ tuổi lao động.

Chính vì vậy, việc phát triển sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề truyền thống theo hướng bền vững, xanh-sạch hơn là một trong những giải pháp quan trọng được các ngành chức năng TP Hà Nội triển khai.

Những ngày này, khi bước chân vào khu vực trung tâm xã Duyên Thái (huyện Thường Tín, Hà Nội) có thể thấy diện mạo nông thôn nơi đây đã đổi thay nhanh chóng, khang trang, sạch đẹp hơn.

Hướng đến mục tiêu hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã Duyên Thái đặc biệt chú trọng tiêu chí môi trường nhằm xây dựng xóm làng ngày càng sáng-xanh-sạch-đẹp.

Có nghề truyền thống sơn mài cho nên cùng với việc phát huy hiệu quả kinh tế làng nghề, chính quyền và người dân nơi đây đã triển khai nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, xây dựng không gian xanh, đưa Duyên Thái trở thành điểm du lịch sinh thái làng nghề hấp dẫn du khách.

Đánh giá về các phong trào, hoạt động của xã Duyên Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho biết: Những năm qua, xã Duyên Thái đã chú trọng triển khai nhiều hoạt động bảo vệ môi trường; quy hoạch, di chuyển các hộ làm nghề sơn mài truyền thống đến sản xuất tại cụm công nghiệp làng nghề; vận động các hộ dân chăn nuôi gia súc, gia cầm xa khu vực dân cư...

Đáng chú ý, nhờ sự đồng thuận của người dân, Duyên Thái đã huy động được hàng tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa để xây dựng các điểm sinh hoạt, vui chơi giải trí cộng đồng, tạo thêm không gian xanh, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Các phong trào xây dựng những tuyến đường hoa, cây xanh, xóa điểm đen về rác thải; các hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề đã làm thay đổi diện mạo làng quê Duyên Thái, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, hướng tới xây dựng một miền quê là điểm đến trong hành trình du lịch làng nghề gắn với du lịch sinh thái của Thủ đô.

Tương tự, làng nghề truyền thống bún Phú Đô (quận Nam Từ Liêm) đang áp dụng các công nghệ, thiết bị tiên tiến có hiệu suất sử dụng năng lượng cao, thân thiện với môi trường. Hay như làng gốm Bát Tràng, trước đây, mỗi ngày, làng nghề tiêu thụ khoảng 800 tấn than và thải vào môi trường các loại khí độc hại: CO, SO2, H2S, bụi silic, chất thải rắn...

Các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất làng nghề Bát Tràng đã tích cực chuyển đổi công nghệ nung gốm từ lò than, lò gas truyền thống sang lò gas hiện đại.

Đến nay, Bát Tràng đã có gần 1.000 hộ sử dụng lò nung gốm bằng khí gas hóa lỏng, góp phần làm giảm phần lớn lượng phế phẩm so với lò than. Hơn 90% số hộ sản xuất gốm sứ chuyển sang sử dụng công nghệ lò gas cải tiến đã giúp giảm tiêu hao năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường.

Khi các làng nghề hướng đến phát triển xanh, bền vững không chỉ giải bài toán về môi trường mà còn thu hút một lượng lớn khách du lịch đến tham quan. Bởi vậy, việc đầu tư công nghệ vào sản xuất để giảm ô nhiễm, tăng năng suất sẽ là lời giải chính xác cho bài toán kinh tế làng nghề của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng.