Làng nghề tất bật chuẩn bị hàng Tết

Những ngày này, không khí sản xuất tại các làng nghề truyền thống ở Hà Nội tấp nập chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Nhờ được đầu tư máy móc cho nên năng suất, chất lượng các sản phẩm ngày càng được nâng cao, được thị trường đón nhận.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất miến dong tại xã Minh Khai, huyện Hoài Đức (Ảnh NGỌC ANH)
Sản xuất miến dong tại xã Minh Khai, huyện Hoài Đức (Ảnh NGỌC ANH)

Thôn Ngự Câu, xã An Thượng, huyện Hoài Đức nhiều năm nay nổi tiếng với nghề nấu rượu được trao truyền qua nhiều thế hệ. Từ khoảng 50 năm trở lại đây, nghề sản xuất bánh đa nem cũng phát triển, với nhiều hộ dân trong làng tham gia sản xuất.

Chị Nguyễn Thị Thành, người có nhiều năm sản xuất bánh đa nem chia sẻ, thời tiết đóng vai trò rất quan trọng đối với sản xuất thủ công. Năm nay thời tiết dịp cuối năm có nhiều nắng, ít mưa, rất thuận lợi cho sản xuất của người dân. Nhiều hộ tranh thủ thời tiết thuận lợi đã sản xuất số lượng hàng lớn để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong dịp Tết.

Theo đại diện thôn Ngự Câu, đến nay, số hộ sản xuất bánh đa nem còn khoảng 200 hộ dân bám trụ với nghề, nhưng sản lượng, chất lượng sản phẩm làng nghề tăng cao nhờ được đầu tư máy móc hiện đại, kết hợp kinh nghiệm sản xuất truyền thống.

Nhiều hộ sản xuất có thể làm ra 300 đến 400 cân bánh đa nem mỗi ngày, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động. Để chủ động sản xuất, tránh phụ thuộc thời tiết, nhiều hộ sản xuất còn đầu tư xây dựng nhà xưởng, lắp đặt dây chuyền máy móc tự động từ khâu tráng bánh, phơi sấy, đóng gói, bảo đảm nguồn hàng phục vụ Tết.

Còn tại làng nghề sản xuất bún miến Minh Khai, huyện Hoài Đức, càng những ngày giáp Tết, lượng xe tải về lấy hàng càng đông. Người dân nơi đây đã kế thừa các tinh hoa nghề chế biến nông sản truyền thống, đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại để sản xuất đa dạng nhiều loại bún, miến, phở có hình thức, mẫu mã bắt mắt, không sử dụng các chất phụ gia, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Để nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm, bảo vệ thương hiệu làng nghề, xã Minh Khai đã xây dựng nhãn hiệu tập thể “Bún, miến, phở khô Minh Khai”. Nhiều sản phẩm của làng nghề không chỉ được thị trường trong nước ưa chuộng, mà đã xuất khẩu sang các nước như Hàn Quốc, Nga..., mang lại giá trị kinh tế cao cho người sản xuất.

Huyện Hoài Đức có nhiều làng nghề chế biến nông sản nổi tiếng như: Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế, An Thượng... Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn huyện có 44 chủ thể đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đến nay, Hoài Đức có hơn 100 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm được đánh giá, phân hạng, đạt OCOP 3 sao và 4 sao, trong đó nhiều sản phẩm của các làng nghề truyền thống có chất lượng tốt, có sức cạnh tranh cao trên thị trường, nhất là các sản phẩm miến, bún, phở khô, tinh bột, bánh đa nem...

Theo ông Phí Công Kiệt, chủ Cơ sở sản xuất, kinh doanh miến dong sạch Trung Kiên, xã Minh Khai, huyện Hoài Đức, từ khi sản phẩm miến dong của gia đình ông được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao, việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn. Mỗi năm, cơ sở có thể cung cấp ra thị trường hơn 150 tấn sản phẩm, trong đó tập trung nhiều nhất trong dịp Tết Nguyên đán.

Đại diện Phòng Kinh tế huyện Hoài Đức cho biết, huyện có tiềm năng lớn trong hoạt động sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm với nhiều sản phẩm hàng hóa đa dạng, phong phú. Chương trình OCOP vừa là cơ hội, vừa là trách nhiệm của mỗi chủ thể trong việc gìn giữ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng niềm tin của khách hàng. Huyện sẽ khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm đã đạt OCOP, đăng ký phân hạng thêm nhiều sản phẩm khác nhằm cung cấp cho thị trường những sản phẩm chất lượng, an toàn và nâng cao thu nhập cho người sản xuất.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, thời gian qua, các làng nghề truyền thống trên địa bàn Thủ đô đều có sự tăng trưởng về giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu, trong đó hơn 100 làng nghề đạt doanh thu bình quân từ 10 tỷ đến 20 tỷ đồng/năm; gần 70 làng nghề đạt doanh thu 20 tỷ đến 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề có doanh thu hơn 50 tỷ đồng/năm. Phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, các làng nghề, nhất là các làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm, đều tăng công suất từ hai đến ba lần so với những tháng trước đó. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các quận, huyện mở nhiều điểm quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề chất lượng đến người tiêu dùng.