Hiện nay, việc bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống tích hợp văn hóa đa giá trị, gắn với phát triển du lịch đòi hỏi sự tham gia của cả ngành văn hóa, các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và sự đoàn kết, quyết tâm của người dân, nghệ nhân làng nghề.
Phát triển bền vững làng nghề
Thủ đô Hà Nội, được biết đến với 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước. Thành phố hiện có 322 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc địa bàn 23 quận, huyện, thị xã, bao gồm 274 làng nghề, 48 làng nghề truyền thống. Mỗi làng nghề đều mang một bản sắc riêng, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Các sản phẩm của làng nghề đa dạng, nhiều chủng loại, phần lớn mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước như: Sản phẩm may mặc; gốm sứ; dệt và thêu, ren truyền thống; đồ gỗ phục vụ tiêu dùng và xây dựng, sản phẩm cơ khí, chế biến nông sản, thực phẩm…
Tại Vạn Phúc, quận Hà Đông hiện có 400 hộ dân tham gia sản xuất lụa và 244 hộ sản xuất tại cụm công nghiệp làng nghề, sản lượng lụa hằng năm đạt 1,7 triệu mét lụa các loại, doanh thu ước đạt 115 tỷ đồng/năm. Ngoài dệt lụa, còn có 150 cửa hàng của các hộ gia đình kinh doanh các mặt hàng liên quan đến lụa. Mỗi năm, Vạn Phúc còn thu hút hàng vạn du khách trong và ngoài nước đến tham quan và mua sắm.
Coi trọng giá trị kinh tế do làng nghề truyền thống đem lại cho người dân địa phương, tỉnh Thái Nguyên đã sớm lập đề án quy hoạch các làng nghề hiện có trên địa bàn tỉnh. Tính đến thời điểm hiện tại, Thái Nguyên có 88 làng nghề và 184 làng nghề truyền thống, với các ngành nghề chủ yếu là chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh. Các làng nghề, làng nghề truyền thống hiện đang tạo việc làm thường xuyên cho hơn 42 nghìn lao động, với mức thu nhập bình quân đạt 4,5-5 triệu đồng/người/tháng.
Theo bà Tống Thị Xuyến, Trưởng ban Quản lý làng nghề chè xóm Trung Thành 2, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, để quảng bá thương hiệu chè truyền thống của địa phương, mô hình du lịch làng nghề chè đã ra đời. Đây là kênh quảng bá sản phẩm quan trọng giúp cho người dân địa phương không ngừng đổi mới mẫu mã sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm chè truyền thống nhằm thu hút khách du lịch đến với mảnh đất đệ nhất danh trà Thái Nguyên.
Sự lớn mạnh của các làng nghề không chỉ tại Hà Nội, Thái Nguyên mà ở hầu hết các địa phương trong cả nước đã phần nào cho thấy hoạt động sản xuất của loại hình này đang ngày càng được hoàn thiện và phát triển. Tuy nhiên, xét một cách tổng thể cho thấy, hiện một số làng nghề truyền thống đang dần bị mai một, thậm chí có một số nghề truyền thống còn đứng trước nguy cơ biến mất khỏi đời sống xã hội.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự mai một các làng nghề truyền thống, nhưng nổi bật nhất vẫn là thiếu nguyên liệu sản xuất... Đơn cử với ngành nghề mây tre đan, hiện 600 làng nghề trên cả nước đang phải nhập khẩu nguyên liệu để duy trì sản xuất.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước có 1,5 triệu ha trồng các loại cói, tre, nứa; trong đó, có khoảng 600 ha được cấp chứng chỉ FSC, tổng dự trữ lượng khoảng 9,5 tỷ cây, bình quân khai thác từ 500-600 triệu cây nhưng nhu cầu tiêu thụ lại lên tới 900 triệu đến 1 tỷ cây/năm.
Do đó, để có nguyên liệu sản xuất, giải pháp trước mắt là nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc, Lào, Campuchia. Vì vậy, yêu cầu bức thiết đặt ra tại không ít địa phương có làng nghề truyền thống nói chung, lĩnh vực mây tre đan nói riêng là nhanh chóng xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu, tạo mối liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, từ đó khôi phục các làng nghề truyền thống.
Phát triển du lịch làng nghề
Nhằm tạo điều kiện phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ. Có thể kể đến các chính sách tác động trực tiếp như: Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 về Phát triển ngành nghề nông thôn và Quyết định 801/QĐ-TTg ngày 7/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030; trong đó, đã đưa nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ như: Mặt bằng sản xuất, hỗ trợ tín dụng, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, đào tạo nghề… Từ đó các địa phương đã đặt ra nhiều phương án phát triển, bảo tồn làng nghề, trong đó việc phát triển du lịch làng nghề đang được nhiều tỉnh đẩy mạnh.
Theo Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên, tỉnh đã ban hành nhiều hoạt động để quảng bá, bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử của các làng nghề nông thôn. Đáng chú ý, tỉnh đã xây dựng đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó có xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch, xác định phát triển du lịch trong đó du lịch làng nghề nông thôn trở thành một ngành kinh tế quan trọng. Trong giai đoạn 2018-2023, tỉnh Thái Nguyên đã phân bổ gần 3 tỷ đồng triển khai các chính sách hỗ trợ cho làng nghề truyền thống.
Với thành phố Hà Nội, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Nguyễn Văn Chí cho biết, thành phố sẽ chủ động phối hợp với các đơn vị của Trung ương và các tổ chức trong nước, quốc tế để thực hiện hiệu quả chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề, từ đó góp phần nâng cao ý thức cho những làng nghề truyền thống tập trung hơn vào đổi mới sáng tạo, hình thức mẫu mã… để các sản phẩm thủ công mỹ nghệ vừa gìn giữ được những bản sắc văn hóa của quê hương, đất nước; đồng thời có những bước cải tiến đột phá phù hợp xu thế hiện đại hội nhập, khẳng định vị thế của sản phẩm làng nghề Hà Nội "Hội tụ-kết tinh-lan tỏa" với cả nước và trên thị trường quốc tế.
Trong dịp Xuân Quý Mão 2023, bộ sản phẩm ấn tượng mang tên "Bữa tiệc ngày xuân" của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đã mang lại sự thích thú cho khách thập phương, góp phần tạo nên những hình ảnh đẹp tại làng cổ Đường Lâm.
Theo nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát, việc nghiên cứu những mẫu mã có tính ứng dụng cao phục vụ khách du lịch là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông, bởi theo ông, nghệ thuật chính là phục vụ nhu cầu thẩm mỹ của người tiêu dùng.
Bên cạnh sự nỗ lực từ các nghệ nhân làng nghề, địa phương, những chính sách mở của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, tạo điều kiện thuận lợi để các làng nghề, các nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà thiết kế thủ công mỹ nghệ gắn bó với nghề, với làng nghề, lan tỏa những nét đẹp, giá trị tích cực đến với cộng đồng.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, việc bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề thủ công truyền thống là một trong những nội dung quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, đóng góp cho chương trình xây dựng nông thôn mới và nâng cao chất lượng sống của người dân nông thôn.