Hành trình đưa miến dong Bắc Kạn sang châu Âu

Hai năm qua đánh dấu bước tiến vượt bậc trong thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Bắc Kạn. Không chỉ đứng thứ 2 cả nước về số lượng mà lần đầu tiên một sản phẩm miến dong của tỉnh đã xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Người dân xã Côn Minh, huyện Na Rì, phơi miến dong.
Người dân xã Côn Minh, huyện Na Rì, phơi miến dong.

Từ lâu, Bắc Kạn vẫn nổi tiếng với nghề trồng, chế biến miến dong, nhất là tại xã Côn Minh, huyện Na Rì với hơn 20 cơ sở chế biến. Tuy nhiên, thời điểm từ năm 2010 đến 2015, người dân trồng, chế biến miến dong theo tính tự phát, thủ công. Vì vậy, củ dong và miến dong luôn rơi vào tình trạng bấp bênh giá cả.

Nâng tầm đặc sản

Hành trình đưa miến dong Bắc Kạn sang châu Âu -0
 

Năm 2020, Bắc Kạn xuất khẩu miến dong sang thị trường Cộng hòa Séc, nhưng để có cột mốc đáng nhớ đó là cả một quá trình dài gần chục năm trước đó. Người có công đầu đưa nghề trồng và chế biến miến dong ở Bắc Kạn đi vào bài bản chính là nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khi ông làm Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn. Khi đó, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Cường đã nhận ra tiềm năng của miến dong Bắc Kạn và chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương quyết liệt vào cuộc. Từ đó, việc trồng và chế biến miến dong ở Bắc Kạn đã có những bước đi đầu tiên hướng tới sản xuất hàng hóa bền vững. Giai đoạn 2015-2020, Bắc Kạn xây dựng được vùng nguyên liệu dong củ ổn định với mục tiêu khép kín chuỗi giá trị đến sản phẩm cuối cùng là miến dong, không trồng dong với mục đích bán củ dong và tinh bột ra ngoài tỉnh.

Với mục tiêu đó, Bắc Kạn đã sử dụng nguồn lực các chương trình khác nhau để đầu tư hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, tiêu thụ hơn 1.000 tấn miến đem lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Cùng với đó, tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, cải thiện bao bì, mẫu mã và xúc tiến thương mại để sản phẩm miến dong Bắc Kạn ngày càng được khẳng định thương hiệu trên thị trường. Đến đầu năm 2022, Bắc Kạn đã có hơn 50 cơ sở chế biến miến dong, trong đó, có những cơ sở có quy mô nhà máy khép kín. Sản phẩm miến dong Bắc Kạn đã được cấp chỉ dẫn địa lý, công nhận sản phẩm OCOP và có mặt trên thị trường cả nước thông qua nhiều hệ thống trung tâm thương mại lớn, mang lại thu nhập ổn định cho người trồng và chế biến.

Đường đến châu Âu

Cơ hội xuất khẩu miến dong đến với Bắc Kạn sau chuyến đi khảo sát, học tập mô hình trồng rừng theo công nghệ châu Âu đồng thời tìm hiểu thị trường cho các sản phẩm nông sản tại Cộng hòa Séc do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa làm trưởng đoàn. Thông qua trao đổi, làm việc với Đại sứ quán Việt Nam và Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc, đoàn đã nắm bắt được nhu cầu, khả năng đáp ứng thị trường châu Âu. UBND tỉnh Bắc Kạn đã thống nhất lựa chọn Hợp tác xã Tài Hoan, xã Côn Minh, huyện Na Rì làm đối tác xuất khẩu miến sang châu Âu. Tỉnh Bắc Kạn đã dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ Hợp tác xã Tài Hoan hoàn thiện nhà máy chế biến. Tỉnh hỗ trợ 2 tỷ đồng để Hợp tác xã mua sắm máy móc, trang thiết bị, nhà phơi miến... Công suất chế biến của nhà máy từ chỗ chỉ khoảng 10 tấn miến/năm đã nâng lên tới hơn 300 tấn/năm.

Khó nhất trong quá trình thực hiện là khâu hoàn thiện hồ sơ pháp lý, công nhận sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của tỉnh và Công ty cổ phần Bưu chính viễn thông Hoa Phát (đơn vị hỗ trợ kết nối với thị trường Cộng hòa Séc), sản phẩm miến của đơn vị đã vượt qua những tiêu chuẩn khắt khe nhất, được phía bạn công nhận đủ điều kiện xuất khẩu sang châu Âu. Hiện tại, công suất chế biến của Hợp tác xã Tài Hoan đạt từ một đến hai tấn miến/ngày, hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu xuất khẩu các đơn hàng tiếp theo trong thời gian tới.

Giám đốc Hợp tác xã Miến dong Tài Hoan Nguyễn Thị Hoan cho biết, từ khi bắt tay vào thực hiện cho tới khi đáp ứng đủ các thủ tục, điều kiện để xuất khẩu sản phẩm miến dong sang thị trường châu Âu mất hơn ba tháng và phải vượt qua được các vòng kiểm định chất lượng khắt khe. Ðến tháng 8/2020, Hợp tác xã đã xuất khẩu đợt một 5,3 tấn miến dong sang Cộng hòa Séc với tổng giá trị đơn hàng gần 15.000 USD. Tháng 5/2021, đơn vị tiếp tục xuất khẩu thêm 10,5 tấn miến dong sang thị trường Cộng hòa Séc với tổng giá trị đơn hàng hơn 29.000 USD. Trong quý II/2022, Hợp tác xã Tài Hoan dự kiến sẽ xuất khẩu thêm gần 10 tấn miến dong nữa sang châu Âu.

Cho đến nay, miến dong của Hợp tác xã Tài Hoan là sản phẩm duy nhất của Bắc Kạn đạt chứng nhận OCOP 5 sao cấp quốc gia. Việc một hợp tác xã của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng xa có thể đưa sản phẩm đến thị trường khó tính châu Âu đã tạo ra “cú huých” rất lớn cho nghề trồng, chế biến miến dong của Bắc Kạn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa cho biết: Với lợi thế về môi trường và điều kiện tự nhiên, bên cạnh sản phẩm miến dong, tỉnh có khá nhiều sản phẩm nông sản có tiềm năng xuất khẩu vào các thị trường có yêu cầu tiêu chuẩn cao khác. Nếu kiên trì và làm bài bản, Bắc Kạn sẽ có cách đi riêng cho ngành sản xuất nông nghiệp với quy mô sản xuất phù hợp, khai thác lợi thế để tạo ra những sản phẩm có thương hiệu và giá trị trên thị trường.