Bắc Giang nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Trước tình trạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI liên tục tụt hạng (năm 2019 đứng vị trí thứ 40 trong số 63 tỉnh, thành phố), tỉnh Bắc Giang thực hiện các giải pháp để khắc phục những điểm nghẽn, quyết tâm cải thiện chỉ số năm 2020 và những năm tiếp theo; phấn đấu nâng điểm số PCI năm 2020 đạt 66,68 điểm (tăng 2,21 điểm so với năm 2019), đứng thứ 30 trong số 63 tỉnh, thành phố.

Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Giang thực hiện giải quyết thủ tục hành chính “4 tại chỗ”. Ảnh: Phan Việt
Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Giang thực hiện giải quyết thủ tục hành chính “4 tại chỗ”. Ảnh: Phan Việt

Tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc khắc phục hạn chế của bốn chỉ số giảm điểm năm 2019 gồm: Chi phí gia nhập thị trường, chi phí thời gian, chi phí không chính thức và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Mặt khác, tỉnh tập trung duy trì, cải thiện điểm số của sáu chỉ số tăng năm 2019 như: Tính minh bạch, tiếp cận đất đai, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung giải quyết những bất cập ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp; tăng cường gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động. Tỉnh yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, chấn chỉnh, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, nhất là những người làm tại bộ phận “một cửa” hoặc thường xuyên làm việc, tiếp xúc với doanh nghiệp, người dân. Tỉnh cũng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp tích cực phối hợp, đồng hành cùng cơ quan nhà nước xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng minh bạch, lành mạnh, công bằng; chủ động phản ánh, cung cấp thông tin về những bất cập, những hành vi gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức các cấp trong thực thi công vụ.

★ Nhiệm kỳ qua, bằng các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình 135, tỉnh Thái Nguyên đã đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng để phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an sinh xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần hoàn thiện về hạ tầng giao thông, thủy lợi; từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, phát triển giáo dục đào tạo của nhân dân, giảm nhanh số hộ nghèo, hộ cận nghèo…

Việc thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc tạo bước phát triển kinh tế - xã hội mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, đồng thời góp phần đáng kể vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Hiện, Thái Nguyên có hơn 70 xã vùng dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, có ba xã đặc biệt khó khăn đang hưởng các chính sách theo Chương trình 135 đã đạt chuẩn nông thôn mới, đủ điều kiện ra khỏi chương trình. Ngoài ra, việc lồng ghép nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với các nguồn vốn khác cũng giúp phát triển kinh tế - xã hội, diện mạo các xã có nhiều khởi sắc với hơn 100 xã đạt tiêu chí giao thông, 125 xã đạt tiêu chí thủy lợi, 100% số xã đạt tiêu chí điện, hơn 120 xã đạt tiêu chí trường học, 132 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn... Với việc triển khai đồng bộ các chính sách cho vùng đồng bào dân tộc và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại các xã nông thôn trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Thái Nguyên đã giảm nhanh, từ gần 20% (năm 2016) xuống còn dưới 6% như hiện nay.