Phát huy trí tuệ tập thể, các đại biểu tiếp tục thảo luận về các nội dung: Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển kinh tế nhanh, bền vững; xây dựng đô thị thông minh thành phố Thanh Hóa; khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng Lam Sơn - Sao Vàng, xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, đô thị dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước, tạo động lực phát triển kinh tế của tỉnh và khu vực.
Tham luận về các nhiệm vụ, giải pháp: Tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn; đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phát triển Sầm Sơn trở thành đô thị trọng điểm quốc gia về du lịch; phát huy giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa xứ Thanh, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; giảm nghèo nhanh, bền vững vùng miền núi, đồng bào các dân tộc thiểu số; thực hiện khâu đột phá về đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ; củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh…
Qua đó, bổ sung, thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu đại hội quyết nghị: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt 11% trở lên; GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt 5.200 USD trở lên; Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2025 đạt hơn 750 nghìn tỷ đồng; Bình quân hằng năm tăng thu ngân sách 10% trở lên; Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới giảm bình quân hằng năm hơn 1,5%.
Đến hết năm 2025, kim ngạch xuất khẩu đạt 8 tỷ USD; tỷ lệ đô thị hóa đạt 40% trở lên; tăng thêm 32.000ha đất được tích tụ, tập trung để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; có 17 huyện, thị xã, thành phố, 88% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 8% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; đạt 13 bác sĩ/vạn dân; 81% trường học đạt chuẩn quốc gia; 90% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý; tỷ lệ che phủ rừng đạt 54%. Hằng năm có 80% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí an toàn về an ninh trật tự; tỷ lệ tổ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 80% trở lên.
Các đại biểu biểu quyết thông qua các nội dung Nghị quyết, nhất là chín nhiệm vụ, giải pháp cùng chương trình hành động thực hiện 27 mục tiêu cụ thể cùng phương hướng đề ra:
Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, khát vọng thịnh vượng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở phát triển công nghiệp nặng, nông nghiệp là nền tảng; công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá, du lịch là mũi nhọn; tập trung phát triển bốn trung tâm kinh tế động lực, năm trụ cột tăng trưởng, sáu hành lang kinh tế.
Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu đến năm 2025, nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển phía bắc của Tổ quốc; đến năm 2030, trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa khóa 19, nhiệm kỳ 2020-2025, gồm 65 đồng chí; bầu 32 đại biểu chính thức đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Kỳ họp thứ nhất của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa khóa 19 đã bầu ra Ban Thường vụ Tỉnh ủy, gồm 17 đồng chí.
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy; ba đồng chí: Lại Thế Nguyên, Đỗ Minh Tuấn, Trịnh Tuấn Sinh, giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy và bầu 13 Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; đồng chí Lê Quang Hùng giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa khóa 19.