Căn cứ lựa chọn các đột phá chiến lược trong phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030

NDO -

Sáng 22-10, tại Hà Nội, Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương (Ban Tuyên giáo Trung ương) đã tổ chức hội thảo khoa học chuyên gia, với chủ đề: “Cơ sở lý luận và thực tiễn xác định các đột phá chiến lược phát triển đất nước trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng”.

Căn cứ lựa chọn các đột phá chiến lược trong phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030

Đây là hoạt động khoa học trong khuôn khổ Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp liên Ban: “Nhận thức và giải pháp thực hiện các đột phá chiến lược phát triển đất nước đến năm 2025, 2030 tầm nhìn đến năm 2045”, do Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương (Ban Tuyên giáo Trung ương) là cơ quan chủ trì và PGS,TS Vũ Văn Phúc làm chủ nhiệm.

Tại hội thảo, hơn 30 ý kiến và tham luận trực tiếp của các chuyên gia cao cấp trong các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội đến từ các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu, Tổ tư vấn Chính phủ, Văn phòng Tổ Biên tập Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030 và nhiều ban, ngành Trung ương đã tập trung làm rõ cơ sở và căn cứ lý luận và thực tiễn, cách tiếp cận, các nhân tố ảnh hưởng, xác định, tổ chức triển khai các đột phá chiến lược trong giai đoạn 2021-2025, trong chiến lược 10 năm 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Bên cạnh sự đồng tình và khẳng định lại giá trị của ba đột phá chiến lược (về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ) mà Đại hội Đảng lần thứ XII đã chỉ ra, nhiều ý kiến tại hội thảo cũng nhấn mạnh sự cần thiết trong thời gian tới phải có thêm những đột phá chiến lược về văn hoá, giáo dục, nghiên cứu khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường…

Đặc biệt, nhiều ý kiến nhấn mạnh cần bổ sung những căn cứ lựa chọn đột phá chiến lược về kinh tế. Theo đó, các đột phá kinh tế được lựa chọn thời gian tới cần bám sát và góp phần đạt được mục tiêu phát triển quốc gia theo từng giai đoạn; phù hợp các lợi thế so sánh quốc gia, có triển vọng thị trường và khai thác tốt nhất nội dung và lộ trình hội nhập trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới; có hàm lượng giá trị gia tăng cao, hàm lượng khoa học công nghệ tiên tiến; có sức liên kết, lan tỏa liên ngành, tạo nền tảng phát triển chung cho vùng và ngành; có giá trị quảng bá văn hóa, sức mạnh mềm; đồng thời, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng và thân thiện môi trường.

Trong số những ngành kinh tế tạo đột phá chiến lược thời gian tới, Việt Nam cần giành ưu các ưu đãi và tập trung đầu tư mạnh mẽ hơn cho phát triển kinh tế biển (nhất là công nghiệp đóng tàu, thủy sản, dầu khí và du lịch biển); nông  nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo các chuỗi cung ứng khép kín và liên kết sáu nhà (nhà nông, nhà đầu tư doanh nghiệp, nhà nước, nhà khoa học, nhà băng và nhà phân phối); phát triển các các ngành công nghiệp công nghệ thông tin, kinh tế nền tảng, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, và dịch vụ chất lượng cao (logistics, tài chính-ngân hàng, thương mại điện tử…).

Trong triển khai các đột phá kinh tế, cần chú ý coi trọng phát triển các công nghệ và năng lực kinh tế lưỡng dụng (kết hợp quân sự với dân sự); tiếp tục hoàn thiện các thể chế quản lý kinh tế mới, nhất là cho kinh tế biển và kinh tế nền tảng, thương mại điện tử phi tiếp xúc trực tiếp…

Kết quả hội thảo sẽ tạo cơ sở, góp phần hình thành Báo cáo tư vấn của Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương trình Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.