Điều làm cho quán ăn ấy thu hút khách không phải bởi những món ăn mới lạ, độc đáo, mà vì một hoạt động đầy ân tình của cửa hàng đối với những người có hoàn cảnh khó khăn.
Quán ăn phục vụ bánh cuốn và phở do chị Nguyễn Cát Lệ tiếp quản lại từ gia đình nhà chồng hơn 20 năm qua, trên con phố nhỏ nằm ngay cạnh Hồ Hoàn Kiếm. Quán ăn phục vụ cả ngày và luôn đông khách vào ra. Nằm ở vị trí đắc địa nên thực khách của quán chủ yếu dân văn phòng và khách du lịch. Nhưng trong hơn một tháng qua, những vị khách đến với quán đặc biệt hơn.
Đó là những cô lao công, người bán hàng rong hay những bác xe ôm. Họ đều là những người lao động chân tay, mỗi ngày mưu sinh vất vả chỉ kiếm được số tiền ít ỏi. Thưởng thức một bát phở ở khu đất vàng này, với những người lao động ấy là một điều họ ít dám nghĩ tới. Chị Nguyễn Thị Nguyệt (Nam Định), một người chuyên thu mua sắt vụn cho biết: “Tôi đến Hà Nội làm nghề thu mua đồ phế liệu được mấy năm rồi, nhưng chưa bao giờ dám ăn bát phở nào.
Phần vì giá một bát phở nhiều tiền, phần vì ăn phở không đủ no, nên tôi phải ăn cơm mới có sức làm việc được”. Không dám bỏ tiền để ăn một bát phở có lẽ là điểm chung của nhiều người lao động chân tay như chị Nguyệt, cũng như những người có hoàn cảnh khó khăn đang chật vật mưu sinh.
Với mong muốn được giúp đỡ mọi người trong khả năng mà mình có thể, chị Lệ đã quyết định triển khai hình thức “phở treo” (hình thức khách đến ăn trả thêm tiền một hay nhiều suất rồi gửi lại quán để dành tặng cho những người thật sự cần hoặc có hoàn cảnh khó khăn). Chị Lệ chia sẻ: “Trong thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19, xem ti-vi, tôi biết đến mô hình “cà-phê treo” ở Italia. Lúc đó, tôi đã nảy ra suy nghĩ sẽ thực hiện “phở treo”. Tuy nhiên, do một số yếu tố khách quan cũng như chủ quan, đến nay tôi mới có thể thực hiện được ý tưởng mà mình đã ấp ủ năm nào”.
Sau khi bàn tính với chồng, chị quyết định mỗi ngày sẽ “treo” 30 bát để phục vụ mọi người. Những ngày đầu, khi thấy những người già neo đơn, người khuyết tật, người bán hàng rong, người lao động lam lũ đi qua cửa hàng, chị và nhân viên của cửa hàng trực tiếp ra mời mọi người vào ăn phở. Nhiều người không khỏi e ngại, dè dặt, tỏ ý không đón nhận vì sợ bị lừa. Nhưng sau khi nghe chị Lệ tận tình giải thích ý nghĩa của “phở treo”, một số người dần hiểu và đón nhận.
Bà Nguyễn Thị Ngoạt, 68 tuổi, là công nhân dọn dẹp vệ sinh tại huyện Thanh Trì, có cuộc sống chật vật với hoàn cảnh gia đình hết sức éo le. Hôm nay là lần thứ 5 bà đến ăn “phở treo”. Bà Ngoạt cho biết, tuần trước bà đi qua khu vực này và được các chị ở cửa hàng đon đả mời vào ăn phở. Ban đầu, bà từ chối. Sau đó, chị Lệ giải thích rằng bát phở của bà đã được người khác trả tiền rồi.
Chị cũng động viên bà hãy vui vẻ đón nhận lòng tốt của những khách hàng hảo tâm. Đón nhận bát phở nóng thơm phức, những khách hàng đặc biệt này không giấu nổi xúc động. Chị Nguyễn Thị Nguyệt múc những thìa nước dùng cuối cùng trong bát, đôi mắt ánh lên niềm vui, chị bảo: “Phở rất ngon nhưng thi thoảng tôi mới qua ăn, vì tôi nghĩ còn rất nhiều người khó khăn như tôi cũng muốn được thưởng thức bát phở thơm ngon này nên tôi cũng phải để dành cho mọi người”.
Hiểu được nhu cầu người lao động nên những bát “phở treo” được làm với lượng bánh phở và thịt bò nhỉnh hơn hẳn so với bát bình thường. Đó cũng là một điều rất tinh tế mà chị Lệ dành tặng cho những khách hàng đặc biệt của mình.
Mỗi ngày, cửa hàng chị Lệ đều dành ra 30 suất “phở treo”. Sau hơn một tháng, ngày cao điểm nhất quán đã nhận được 39 suất “phở treo”. Nếu các suất “treo” không sử dụng hết trong ngày, chị Lệ sẽ cộng dồn sang ngày hôm sau. Cảm mến tấm lòng của bà chủ quán phở, nhiều khách hàng đã sẵn sàng trả thêm vài suất để chung tay giúp đỡ những người khó khăn. Đáng quý có những em nhỏ cũng sẵn sàng đóng góp những suất tiền quà, tiền bánh hằng ngày của mình để làm nên những bát “phở treo”.
Điều đáng nói là 13 năm nay chị Lệ cùng bạn bè và các thành viên trong gia đình luôn có những hoạt động thiện nguyện giúp đỡ những người khó khăn. Đều đặn vào thứ năm hằng tuần, gia đình chị tổ chức nấu hàng trăm suất cơm, phát miễn phí cho các bệnh nhân tại Bệnh viện E.
Thứ bảy hằng tuần, nhóm lại tổ chức phát cháo, súp cho các bệnh nhân tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Mỗi tháng, họ tổ chức một buổi phát gạo miễn phí cho khoảng 30 hộ có hoàn cảnh khó khăn, mỗi bao gạo có trọng lượng 10kg.
Để duy trì được hoạt động thiện nguyện tốt đẹp ấy không chỉ cần nguồn kinh phí, mà còn cả công sức và tâm huyết của những người thực hiện. Thế nhưng, khi nhắc về điều đó, chị Lệ chỉ cười và khiêm tốn nói: “Chẳng có gì đâu, chỉ là mình giúp được thì cứ giúp thôi”. Mong rằng nhiều quán ăn ở Hà Nội sẽ áp dụng hình thức “treo” như thế này để nhiều người có hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ hơn.