Ẩn họa…

Nhiều người dân ở thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), nói rằng, trong những ngày mưa bão, hễ đi qua rừng thông là tim đập loạn xạ, hoảng hốt vì không biết lúc nào những cây thông sẽ đổ.
0:00 / 0:00
0:00

Điều đó là có thật. Nhìn lại những năm gần đây, ở Đà Lạt hầu như năm nào cũng có hiện tượng thông bị gãy đổ trong mùa mưa bão khiến nhiều ngôi nhà bị sập, nhiều xe cộ đã bị hỏng, thậm chí nhiều người đã mất mạng. Người dân ở những khu vực “phố trong rừng” mất ăn, mất ngủ vào những đêm mưa gió, vì họ đang sống dưới những gốc cây cao lớn và rất dễ gãy đổ, gây nguy hiểm cho tính mạng và tài sản của con người.

Hiện nay, số lượng thông nói riêng và cây xanh nói chung ở nội ô Đà Lạt bị chết, khô cành, trụi lá, mục gốc, lòi rễ… có nguy cơ gãy đổ là không ít. Tình trạng này không chỉ ở khu vực dân cư mà ở nhiều nơi như ven đường, trong trường học, cơ quan, tiềm ẩn mối nguy hiểm cho con người và tài sản.

Thông Đà Lạt khô cành, trụi lá, chết và bị ngã đổ một phần do già cỗi và tàn lụi theo thời gian, nhưng một nguyên nhân khác đáng lưu ý đó là do con người. Việc phát triển các công trình xây dựng, nhà ở, người dân lấn chiếm đất rừng làm vườn cũng như việc phát triển các kết cấu hạ tầng khác cũng là nguyên nhân khiến những cây thông đi đến chỗ chết.

Khi những công trình mọc lên là hàng loạt cây thông phải ngã xuống, chưa kể số cây bị chặt đứt rễ, bị lòi gốc do ta-luy công trình xây dựng tạo nên, có những cây lại bị mái nhà vây chung quanh và khô héo từ từ. Do cấm chặt thông cho nên một số người dân dùng “chiến thuật” làm “hao mòn sinh lực” của cây bằng nhiều cách như: Đổ a-xít và các loại thuốc vào gốc thông, gọt hết vỏ dưới gốc thông, chắn rễ, ken gốc thông... khiến cho cây thông chết dần. Nếu người dân chưa kịp “làm đơn xin chặt hạ vì thông chết”, chưa được các cơ quan chức năng cho phép chặt hạ trước mùa mưa bão, thì chính những cây thông này sẽ là mối nguy cơ ngã đổ xuống nhà những người đã cố tình tàn sát chúng.

Rừng thông nội ô thành phố Đà Lạt hiện được quản lý theo quy chế rừng phòng hộ. Việc những cây thông già gãy đổ gây tai nạn thương tâm về người và thiệt hại vật chất trong những năm qua là rất đáng tiếc. Hằng năm, trước và ngay trong mùa mưa bão, ngành kiểm lâm, đơn vị chủ rừng, ban lâm nghiệp phường, xã và các ngành chức năng khác, tiến hành khảo sát, trình xin ý kiến cấp trên về việc quyết định chặt hạ những cây thông có dấu hiệu có thể ngã đổ. Nếu chặt hạ từ ba cây trở xuống, quyền quyết định thuộc về UBND thành phố Đà Lạt; nếu số lượng từ bốn cây trở lên thì cơ quan quyết định là UBND tỉnh Lâm Đồng.