Điều kiện để hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Luật Việc làm hiện hành quy định, bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Đối tượng được hưởng bảo hiểm thất nghiệp là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc với người sử dụng lao động trong các trường hợp: Làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn; Làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn; Làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.
Đối tượng được hưởng bảo hiểm thất nghiệp cũng là đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.
Để được hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, người lao động cần đáp ứng đủ một số điều kiện cần thiết theo quy định.
Cụ thể, đối tượng được hưởng bảo hiểm thất nghiệp được quy định tại Khoản 1, Điều 43 của Luật Việc làm 2013.
Theo đó, đối tượng là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc với người sử dụng lao động trong các trường hợp: Làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn; Làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn; Làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.
Điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp được dựa trên quy định của Luật Việc làm 2013. Căn cứ theo Điều 49 của Luật này, điều kiện để người lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp được quy định cụ thể như sau:
Người lao động thuộc đối tượng hưởng bảo hiểm thất nghiệp đã nêu trên đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện:
Một là, đã chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
Hai là, đã đóng bảo hiểm thất nghiệp: Từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động xác định thời hạn/không xác định thời hạn; Từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng.
Ba là, đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Bốn là, chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; Chết.
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng được quy định bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.
Mức hưởng này tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định. Đồng thời, không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng được quy định bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.
Một điểm cần lưu ý là thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng trợ cấp thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục, được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng cho đến khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp được tính nếu người sử dụng lao động và người lao động đã thực hiện hợp đồng lao động/hoặc hợp đồng làm việc và đã đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Để hưởng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động cần sớm nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm tại nơi mình đang sinh sống để được nhận trợ cấp thất nghiệp sớm. Số tiền hỗ trợ này sẽ hỗ trợ một phần cuộc sống cho người lao động và gia đình khi bị mất việc làm.
Để tạo thuận lợi hơn về thủ tục hành chính cho người lao động, dịch vụ công “Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp” trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đã được áp dụng từ tháng 4/2022.
Hoàn thiện hơn chính sách bảo hiểm thất nghiệp
Lao động tại Công ty CrucialTec (Hàn Quốc) ở khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh. (Ảnh: Thái Sơn) |
Bảo hiểm thất nghiệp là một trong những chính sách quan trọng của hệ thống an sinh xã hội. Mục tiêu của chính sách là nhằm bảo vệ, duy trì phát triển việc làm, ngăn ngừa, hạn chế sa thải lao động dẫn đến thất nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm; đào tạo, đào tạo lại tay nghề cho người lao động để họ sớm tìm được việc làm; thay thế, bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi thất nghiệp.
Theo quy định hiện hành, người lao động có tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi thôi việc, mất việc làm được bảo đảm 4 chế độ sau: Trợ cấp thất nghiệp theo Luật Việc làm 2013; Tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; Hỗ trợ học nghề; Chế độ bảo hiểm y tế.
Theo quy định hiện hành, người lao động có tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi thôi việc, mất việc làm được bảo đảm 4 chế độ sau: Trợ cấp thất nghiệp theo Luật Việc làm 2013; Tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; Hỗ trợ học nghề; Chế độ bảo hiểm y tế.
Triển khai từ ngày 1/1/2009, sau hơn 13 năm thực hiện, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nếu như vào năm 2009, chính sách này mới thu hút khoảng 5,9 triệu người tham gia, thì đến hết năm 2022, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đã vượt mốc hơn 14,33 triệu người, chiếm tỷ lệ 31,13% lực lượng lao động trong độ tuổi. Cũng trong năm 2022, đã có gần 978 nghìn người hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Trước đó, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động nghiêm trọng tới đời sống kinh tế-xã hội nước ta, trong hai năm 2021-2022, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã chi hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho hơn 13,3 triệu lượt người lao động, với số tiền lên tới 31.836 tỷ đồng.
Đến hết năm 2022, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đã vượt mốc hơn 14,33 triệu người, chiếm tỷ lệ 31,13% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Còn theo Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), chỉ tính từ khi thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Luật Việc làm 2013 có hiệu lực từ năm 2015 đến nay, số người được tư vấn, giới thiệu việc làm đạt hơn 11,5 triệu lượt người. Trong đó, khoảng hơn 1,4 triệu lượt người được giới thiệu việc làm. Riêng 5 tháng đầu năm 2023, tổng số người được tư vấn, giới thiệu việc làm từ đầu năm đến nay là gần 755 nghìn lượt người, trong đó có khoảng 75 nghìn người được giới thiệu việc làm.
Thạc sĩ Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp (Cục Việc làm) cho biết, chính sách bảo hiểm thất nghiệp sẽ ngày càng được hoàn thiện. Trong hồ sơ xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) đang được soạn thảo, một trong những định hướng lớn về sửa đổi chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian tới là quy định các vấn đề liên quan bảo hiểm thất nghiệp phù hợp định hướng sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội và chủ trương bỏ mức lương cơ sở theo Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.