Người lao động tại Công ty Tân Á - Đại Thành. (Ảnh SƠN TÙNG)
Người lao động tại Công ty Tân Á - Đại Thành. (Ảnh SƠN TÙNG)

10 kết quả nổi bật của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam năm 2024

NDO - Trong năm 2024, toàn ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành, có giải pháp kịp thời, phù hợp và đạt được những kết quả toàn diện, tạo dấu ấn rõ nét ở tất cả các lĩnh vực công tác. Dưới đây là 10 kết quả nổi bật của ngành trong năm qua .

1. CHỦ ĐỘNG THAM MƯU, ĐỀ XUẤT, SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI, LUẬT BẢO HIỂM Y TẾ

Là cơ quan trực tiếp triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn chủ động tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế.

Hầu hết các ý kiến tham gia của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đều được tiếp thu, hoàn thiện nhất là các ý kiến liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia và thụ hưởng chính sách.

Với nhiều nội dung cải cách, tiến bộ, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung đã chính thức được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 và thứ 8, Quốc hội khóa XV, đạt tỷ lệ đồng thuận rất cao.

10 kết quả nổi bật của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam năm 2024 ảnh 1

Các đại biểu Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm xã hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. (Ảnh DUY LINH)

Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15 gồm 11 chương, 141 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. So với Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15 có nhiều thay đổi hướng tới các mục tiêu lớn như: mở rộng đối tượng tham gia; gia tăng quyền, lợi ích trong thụ hưởng chính sách để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội; tăng cường chế tài xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội...

Là cơ quan trực tiếp triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn chủ động tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế.

Luật số 51/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, trừ một số quy định liên quan đến cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh, đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu, chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và quy định về phạm vi được hưởng áp dụng đối với một số trường hợp cụ thể có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Luật Bảo hiểm y tế năm 2024 có nhiều điểm mới quan trọng giúp gia tăng quyền lợi và đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi hơn cho người tham gia bảo hiểm y tế như: một số trường hợp mắc các bệnh hiếm, hiểm nghèo, cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao... người bệnh không cần phải chuyển cấp theo quy định mà vẫn được hưởng 100% mức hưởng; mở rộng một số phạm vi quyền lợi cho người có thẻ bảo hiểm y tế trong đó có điều trị lác, tật khúc xạ của mắt cho người dưới 18 tuổi…

Có thể nói, năm 2024 là năm có nhiều đột phá về hoàn thiện thể chế xây dựng hệ thống an sinh xã hội nước ta ngày càng tiến bộ nhằm bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và khắc phục những bất cập, vướng mắc của quy định hiện hành.

2. HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TIẾP TỤC VÀO CUỘC MẠNH MẼ, TOÀN DIỆN TỪ TRUNG ƯƠNG ĐẾN CƠ SỞ, THÔN BẢN

Xác định sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương là yếu tố then chốt, quyết định hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trong năm 2024, Ban Cán sự Đảng Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản gửi Bí thư các tỉnh, thành phố đề nghị tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn. Đồng thời, quyết liệt chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố bám sát, chủ động tham mưu và tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy chính quyền địa phương.

Đến nay, 100% các xã tại 63 tỉnh, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo; 62/63 tỉnh đã đưa chỉ tiêu về tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; 23/63 tỉnh trích ngân sách địa phương hỗ trợ thêm cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; 63/63 tỉnh trích ngân sách địa phương hỗ trợ thêm cho người tham gia bảo hiểm y tế.

Sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương từ cấp tỉnh tới cấp xã, đến từng thôn, bản cho thấy sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị trong thực hiện mục tiêu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn dân theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng.

3. NỖ LỰC, KIÊN TRÌ MỞ RỘNG DIỆN BAO PHỦ BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM Y TẾ, BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP

Ước đến 31/12/2024, toàn quốc có khoảng 20,11 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng 9,2% so với năm 2023, đạt tỷ lệ 42,71% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện do ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam tập trung kiên trì, liên tục tuyên truyền, vận động khoảng 2,292 triệu người, đạt khoảng 4,8% lực lượng lao động trong độ tuổi. Con số này tăng gấp 10,2 lần so với năm 2017, trước khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Số người tham gia bảo hiểm y tế là 95,523 triệu người, tăng 2% so với năm 2023, đạt tỷ lệ 94,2% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng 16,093 triệu người, tăng 8,8% so với năm 2023, đạt khoảng 34,18% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Với những kết quả nêu trên, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hoàn thành vượt các chỉ tiêu phát triển về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ; tạo nền tảng vững chắc để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

4. BẢO ĐẢM ĐẦY ĐỦ, KỊP THỜI QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI THỤ HƯỞNG CHÍNH SÁCH

Thực hiện Nghị định số 75/2024/NĐ-CP của Chính phủ, với tinh thần khẩn trương, toàn ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ưu tiên tập trung nguồn lực, chi trả đầy đủ, kịp thời lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng theo mức hưởng mới tới người hưởng ngay từ ngày đầu Nghị định có hiệu lực, 1/7/2024.

P
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái Vũ Thị Hiền Hạnh trao tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế cho người dân có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. (Ảnh: VSS)

Đặc biệt, trong bối cảnh thiên tai, mưa lũ do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra ở nhiều địa phương, toàn ngành luôn bám sát tình hình thực tế để triển khai từ sớm, từ xa các giải pháp ứng phó linh hoạt, tuyệt đối không để gián đoạn việc thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người tham gia.

Ước trong năm 2024, tổng số chi các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp khoảng 350.155 tỷ đồng. Toàn ngành quản lý và chi trả ước hơn 3,3 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng; 8,54 triệu lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; phối hợp với ngành lao động-thương binh và xã hội giải quyết hơn 923 nghìn người hưởng trợ cấp thất nghiệp (trợ cấp thất nghiệp)… bảo đảm chi trả chính xác và nhanh chóng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu chính đáng của người hưởng.

Xác định công tác phục vụ người hưởng luôn là nhiệm vụ trọng tâm, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam không ngừng cải cách hành chính, chuyển đổi số mạnh mẽ, tạo ra nhiều dịch vụ, tiện ích mang lại lợi ích thiết thực cho người tham gia, thụ hưởng chính sách.

Cụ thể như: tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp ứng dụng VssID- bảo hiểm xã hội số; cắt giảm từ 115 thủ tục hành chính còn 25 thủ tục hành chính (giảm 78%); đẩy mạnh giao dịch điện tử (người dân, doanh nghiệp (doanh nghiệp) có thể giao dịch với cơ quan bảo hiểm xã hội 24/7); triển khai các dịch vụ công (dịch vụ công) trực tuyến toàn trình và chi trả chế độ qua tài khoản cá nhân bảo đảm nhanh chóng, an toàn, công khai, minh bạch…

5. QUẢN LÝ HIỆU QUẢ, TỐI ƯU SỬ DỤNG QUỸ BẢO HIỂM Y TẾ

Năm 2024, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tăng cường chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm y tế và tối ưu chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Trong đó, ngành đã tổ chức hội nghị hằng tuần tới bảo hiểm xã hội cấp tỉnh và bảo hiểm xã hội cấp huyện trên toàn quốc, nâng cao trách nhiệm của Giám đốc bảo hiểm xã hội tỉnh và công chức-viên chức, người lao động làm công tác giám định bảo hiểm y tế.

Tại địa phương, bảo hiểm xã hội các tỉnh cũng thường xuyên làm việc, trao đổi để truyền tải đến đội ngũ lãnh đạo, các y, bác sĩ thuộc các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tốt mục tiêu chung vừa tối ưu hóa hiệu quả sử dụng quỹ bảo hiểm y tế; vừa bảo đảm chi đúng, chi đủ, kịp thời các hoạt động khám, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

Ước năm 2024, cả nước có 186,2 triệu lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế nội trú và ngoại trú (tăng hơn 12,2 triệu lượt người so với cùng kỳ năm 2023); với số tiền đề nghị thanh toán là 142.985 tỷ đồng (tăng 18.685 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023).

Cùng với đó, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã kịp thời phát hiện và phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và sự hài lòng của người dân.

6. NHIỀU DẤU ẤN VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ VÀ CHỈ SỐ PHỤC VỤ NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, DỊCH VỤ CÔNG

Là cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về bảo hiểm, kết nối và chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác và có lợi thế về hệ thống cơ sở dữ liệu lớn, tập trung, thường xuyên được làm giàu.

Hiện Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã xác thực 89,6triệu người, chiếm 99% số người đang tham gia, thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (không bao gồm lực lượng vũ trang, thân nhân quân đội).

Với quan điểm xuyên suốt “lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo của sự phục vụ”, Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn ưu tiên, thực hiện quyết liệt các giải pháp để đơn giản hóa các thủ tục hành chính tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ thiết thực, tạo thuận lợi tối đa cho người tham gia, thụ hưởng chính sách.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam là 1 trong 7 cơ quan hoàn thành 100% phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư. 100% quy trình nghiệp vụ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam được xử lý trên môi trường điện tử, các kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa toàn diện.

Theo thống kê, hiện có khoảng 621.000 tổ chức, doanh nghiệp giao dịch điện tử với cơ quan bảo hiểm xã hội, hơn 13,1 triệu hồ sơ giao dịch điện tử được Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp nhận và xử lý trong năm 2024; 100% cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip, với hơn 163,98 triệu lượt người sử dụng căn cước công dân thay thẻ bảo hiểm y tế để làm thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Ứng dụng VssID - bảo hiểm xã hội số đã thu hút trên 37 triệu người dùng và nhận được nhiều phản hồi tích cực, đánh giá cao từ phía người dân.

Đặc biệt, thực hiện Đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ, công tác thanh toán không dùng tiền mặt được ngành triển khai quyết liệt và có sự chuyển biến mạnh mẽ.

Đến nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chi trả cho gần 100% người hưởng các chế độ ốm đau thai sản, dưỡng sức và trợ cấp thất nghiệp thông qua tài khoản ngân hàng. Ước hết năm 2024, có khoảng 80% số người hưởng tại khu vực đô thị nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân.

Hiện có khoảng 621.000 tổ chức, doanh nghiệp giao dịch điện tử với cơ quan bảo hiểm xã hội, hơn 13,1 triệu hồ sơ giao dịch điện tử được Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp nhận và xử lý trong năm 2024.

Với những kết quả đạt được, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xếp thứ 3 trong nhóm các bộ, ngành về chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2024.

7. TĂNG CƯỜNG KỶ CƯƠNG, KỶ LUẬT VỀ TÀI CHÍNH, QUẢN LÝ ĐẦU TƯ QUỸ AN TOÀN, BỀN VỮNG, HIỆU QUẢ, ĐÚNG QUY ĐỊNH

Quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là quỹ an sinh lớn nhất ngoài Ngân sách Nhà nước được quản lý, sử dụng đúng mục đích, an toàn, bền vững, công khai, minh bạch dưới sự giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội và các cấp, các ngành.

Đặc biệt, thực hiện Nghị định số 03/2024/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 1/3/2024, Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chính thức ra mắt. Qua đó, góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, bảo đảm quản lý, sử dụng các quỹ và chi trả chế độ, quyền lợi cho người hưởng đúng quy định.

Phát huy vai trò quan trọng của cơ quan Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến ngày 31/12/2024, toàn Ngành đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 20.432 đơn vị; qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện, yêu cầu truy thu tiền đóng đối với hơn 54.000 lao động chưa tham gia, đóng thiếu thời gian, thiếu mức đóng với số tiền khoảng 227,4 tỷ đồng.

Bên cạnh việc bảo đảm quyền lợi người tham gia, quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế còn là nguồn tài chính quan trọng của quốc gia. Với tỷ lệ đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, (trong năm 2024 dự kiến đạt 80%), giúp Chính phủ điều hành vĩ mô, huy động nguồn vốn, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Có thể nói, công tác quản lý tài chính, quản lý đầu tư quỹ đã được thực hiện chặt chẽ, minh bạch, đúng quy định gắn liền với tăng cường quản lý rủi ro, kiểm soát chi, chống gian lận, trục lợi quỹ… bảo đảm chi đúng, chi đủ chế độ cho người thụ hưởng.

Nhờ đó người dân, người lao động ngày càng yên tâm, tin tưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và công tác tổ chức, thực hiện của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam.

8. NÂNG CAO VỊ THẾ, UY TÍN QUỐC TẾ TRONG TIẾN TRÌNH HỘI NHẬP AN SINH XÃ HỘI THẾ GIỚI

Hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác song phương với gần 50 cơ quan, tổ chức an sinh xã hội quốc tế từ 25 quốc gia trên thế giới và đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ, các chương trình, kế hoạch hợp tác.

Đáng chú ý, ngày 23/1/2024, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Cơ quan Hưu trí quốc gia Hàn Quốc đã ký kết Thỏa thuận thực hiện liên quan đến đối tượng bảo hiểm xã hội nhằm triển khai thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Đại Hàn Dân Quốc về bảo hiểm xã hội, qua đó bảo đảm quyền lợi bảo hiểm xã hội cho người lao động trong nước và nước ngoài.

Trong hợp tác đa phương, Bảo hiểm xã hội Việt Nam là đối tác phối hợp chặt chẽ với các tổ chức như: Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Lao động quốc tế, Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế…

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng phối hợp tổ chức nhiều hội nghị quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác từ các châu lục phục vụ việc tham gia xây dựng, sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế…

Với những thành tựu và nỗ lực không ngừng trong năm 2024, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã vinh dự nhận được Giải Thành tựu của Hiệp hội An sinh xã hội quốc tế (ISSA) đối với nội dung “Thẻ căn cước công dân gắn chip và bản điện tử thẻ bảo hiểm y tế trên các ứng dụng thay thế thẻ bảo hiểm y tế giấy”; “Áp dụng chuyển đổi số trong cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp” và Giải thưởng Đổi mới của ASSA đối với nội dung "Hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế”.

Với những bước tiến vượt bậc trong công tác hợp tác quốc tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã và đang ngày càng khẳng định rõ vai trò, vị thế, hình ảnh là bạn, đối tác tin cậy và trách nhiệm của cộng đồng an sinh xã hội thế giới.

9. HIỆU QUẢ CỦA CÔNG TÁC HỖ TRỢ, GIẢI ĐÁP, TƯ VẤN VÀ TRUYỀN THÔNG CHÍNH SÁCH

Trong năm 2024, công tác tư vấn, giải đáp, hỗ trợ, chăm sóc khách hàng được toàn Ngành đặc biệt quan tâm đẩy mạnh, góp phần xây dựng hình ảnh ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam phục vụ người dân tận tâm, chuyên nghiệp và hiệu quả.

10 kết quả nổi bật của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam năm 2024 ảnh 2
Cổng thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Công tác truyền thông được triển khai với nhiều hoạt động đa dạng và thiết thực, bắt kịp xu hướng hiện đại; kết hợp linh hoạt giữa truyền thông trực tiếp (thông qua hội thảo, hội nghị tư vấn, đối thoại) và truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua mạng xã hội; xây dựng và triển khai các kịch bản truyền thông phù hợp với từng chủ thể, vùng miền và tình hình thực tế…

Năm 2024, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương đăng tải gần 32.000 nghìn tin, bài, phóng sự…; thực hiện khoảng 27.000 hội nghị, tập huấn, tư vấn, đối thoại với trên 1,38 triệu lượt người tham gia... Đặc biệt, Cổng Thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến nay đã thu hút hơn 110 triệu lượt truy cập (tăng gấp 4 lần so với năm 2023) và là một trong những cổng thông tin điện tử có lượng người đọc, người xem lớn nhất trong khối các bộ, ngành.

Ngoài ra, Fanpage, Zalo, Youtube Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã và đang phát huy hiệu quả, đổi mới truyền thông chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tới đông đảo quần chúng nhân dân.

Có thể nói, các hoạt động tư vấn, giải đáp, truyền thông đã góp phần lan tỏa chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tạo sự đồng thuận cao của toàn xã hội trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức, thực hiện chính sách.

10. TINH GỌN BỘ MÁY, HOẠT ĐỘNG HIỆU NĂNG, HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, bộ máy tổ chức, biên chế của ngành tiếp tục được tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo đúng tinh thần của các nghị quyết của Đảng; kỷ luật, kỷ cương trong toàn ngành được giữ vững; phân công công việc bảo đảm 5 rõ (rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả); trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu ngày càng được nâng cao; chất lượng cán bộ ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh khối lượng công việc ngày càng lớn.

Trong khí thế cả nước nỗ lực cải cách, hoàn thiện thể chế, toàn thể công chức-viên chức và người lao động ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đoàn kết, đồng lòng với quyết tâm chính trị cao, quyết liệt triển khai các nghị quyết, chủ trương của Đảng, Chính phủ; thống nhất xác định việc tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của ngành hướng tới mục tiêu Tinh-Gọn-Mạnh-Hiệu năng-Hiệu lực-Hiệu quả; khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn…”.

Đồng thời, ngành chủ động rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong từng cơ quan, đơn vị, chuẩn bị nhân sự, rà soát hoạt động, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, vững tin cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

back to top