Ngày 3/1, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành triển khai công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2025. Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chủ trì hội nghị.
Phát biểu mở đầu chương trình, đồng chí Nguyễn Thế Mạnh đánh giá, năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Trong nước, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức, thời cơ thuận lợi đan xen. Trong bối cảnh ấy, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, toàn ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam phát huy truyền thống đoàn kết, chủ động, trách nhiệm, linh hoạt, sáng tạo trong triển khai nhiệm vụ. Đến hết năm 2024, tất cả các chỉ tiêu, kế hoạch của ngành đã hoàn thành, đặc biệt là các chỉ tiêu trọng yếu đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao. Trong năm 2024, toàn ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đạt được 10 kết quả nổi bật.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại hội nghị. (Ảnh VSS) |
Trong đó, cơ quan này chủ động tham mưu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế và nhận được sự đồng thuận cao từ các cấp, các ngành.
Là cơ quan trực tiếp triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn chủ động tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế.
Là cơ quan trực tiếp triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn chủ động tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế.
Hầu hết các ý kiến tham gia của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đều được tiếp thu, hoàn thiện nhất là các ý kiến liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia và thụ hưởng chính sách.
Với nhiều nội dung cải cách, tiến bộ, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung đã chính thức được thông qua tại Kỳ họp thứ 7 và thứ 8, Quốc hội khóa XV, đạt tỷ lệ đồng thuận rất cao.
Toàn cảnh hội nghị. |
Ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng nỗ lực, kiên trì mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; tiệm cận mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.
Tính đến 31/12/2024, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 20,11 triệu người, tăng 9,2% so với năm 2023, đạt tỷ lệ 42,71% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện do ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam tập trung kiên trì, liên tục tuyên truyền, vận động khoảng 2,3 triệu người, đạt khoảng 4,9% lực lượng lao động trong độ tuổi. Con số này tăng gấp 10,2 lần so với năm 2017, trước khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Số người tham gia bảo hiểm y tế là 95,52 triệu người, tăng 2% so với năm 2023, đạt tỷ lệ 94,2% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng 16,09 triệu người, tăng 8,8% so với năm 2023, đạt khoảng 34,18% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Qua nghe các ý kiến tham luận, phát biểu của lãnh đạo các đơn vị trực thuộc và bảo hiểm xã hội các địa phương, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đánh giá, năm 2024, mặc dù triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh khó khăn nhiều hơn là thuận lợi, nhưng toàn ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Nỗ lực này có được là nhờ toàn ngành luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, ngành chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện; bám sát thực tiễn, kịp thời có phương án, giải pháp “từ sớm, từ xa”; Phát huy vai trò của công tác thông tin, truyền thông song hành với triển khai các công tác chuyên môn; Tập trung nguồn lực, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và cải tiến quy trình; Bảo đảm hài hòa giữa giải quyết, chi trả đầy đủ và kịp thời các chế độ cho người dân với kiểm soát, quản lý quỹ chặt chẽ, hiệu quả; Giữ vững kỷ luật và kỷ cương hành chính, tài chính; thực hiện hiệu quả việc phân cấp, phân quyền.
Nhận định năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt, là năm diễn ra Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ XI; thực hiện cải cách, tinh gọn bộ máy hành chính và nỗ lực, thi đua lập thành tích xuất sắc kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hoàn thành các mục tiêu phát triển bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo các nghị quyết của Đảng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu, toàn ngành tập trung triển khai đồng bộ, toàn diện tám nhiệm vụ, giải pháp quan trọng.
Cụ thể, cần bám sát chủ trương, đường lối, định hướng, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các mục tiêu, kế hoạch trong Chiến lược phát triển ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2030 tại Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 11/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngành cần chủ động nắm bắt, đánh giá những vướng mắc trong thực tiễn tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho phù hợp.
Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng; giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; kịp thời xử lý các hành vi vi phạm.
Song song với đó, quán triệt sâu sắc Nghị quyết của Trung ương, chỉ đạo của Ban chỉ đạo sắp xếp, tinh gọn bộ máy các cấp; tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu; tiếp tục tăng cường công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, hành chính; thực hiện nghiêm quy trình, quy chế của ngành; phân công, phân nhiệm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả” đi đôi với kiểm tra, giám sát; khen thưởng kịp thời; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm (nếu có); tăng cường công tác kiểm tra, giám sát giữa cấp trên với cấp dưới và kiểm tra, đối soát chéo giữa các bộ phận, phần việc; rà soát cán bộ để phân công, bố trí công việc phù hợp, đặc biệt chú ý đối với các vị trí công việc nhạy cảm, có nguy cơ rủi ro.