Bốn quy định về vai trò của Ủy ban nhân dân các cấp trong Luật Bảo hiểm xã hội 2024

NDO - Trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 tới đây, có một số quy định mới liên quan đến vai trò của Ủy ban nhân dân các cấp.
Người dân đến làm thủ tục tại bộ phận “một cửa” Ủy ban nhân dân quận Đống Đa. (Ảnh nhandan.vn)
Người dân đến làm thủ tục tại bộ phận “một cửa” Ủy ban nhân dân quận Đống Đa. (Ảnh nhandan.vn)

Vụ Pháp chế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, những quy định mới của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 liên quan đến vai trò của Ủy ban nhân dân các cấp tập trung ở bốn nội dung sau đây.

Về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp. Theo đó, kế thừa quy định Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thành Khoản 2 và bổ sung một khoản trên cơ sở Luật hóa trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, phát triển đối tượng tham gia, giảm tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong phạm vi địa phương.

Cụ thể như sau: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân cùng cấp trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện và chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong phạm vi địa phương”.

Về chính sách của Nhà nước đối với bảo hiểm xã hội

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 bổ sung quy định khuyến khích các địa phương tùy theo điều kiện kinh tế-xã hội, khả năng cân đối ngân sách, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ thêm tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (Khoản 6 Điều 6).

Nội dung này cũng được nhấn mạnh tại chương về Trợ cấp hưu trí xã hội (Điều 22).

Theo đó quy định: “Tùy theo điều kiện kinh tế-xã hội, khả năng cân đối ngân sách, huy động các nguồn lực xã hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội”.

Trách nhiệm phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội để tổ chức thực hiện nhiệm vụ xác định đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội

Luật Bảo hiểm xã hội cũng quy định rõ trách nhiệm phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội để tổ chức thực hiện nhiệm vụ xác định đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tại Khoản 1 Điều 30.

Xác định đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và phát triển đối tượng bảo hiểm xã hội tự nguyện là một trong những nhiệm vụ quan trọng, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã quy định cụ thể trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội để tổ chức việc xác định đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.

Quy định rõ thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong giải quyết khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm xã hội

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã quy định rõ thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm xã hội đối với các nội dung trước ngày 1/1/1995 (trước khi thành lập cơ quan bảo hiểm xã hội), với các nội dung như sau:

Thứ nhất, về giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi có liên quan đến việc thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội hoặc tính thời gian công tác trong khu vực nhà nước để hưởng bảo hiểm xã hội trước ngày 1/1/1995 mà không đủ hồ sơ gốc, không còn hồ sơ gốc hoặc không còn cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý người lao động được thực hiện như sau:

a) Thủ trưởng cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh giải quyết khiếu nại lần đầu.

b) Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại lần đầu của Thủ trưởng cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.

c) Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại lần hai của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, đối với giải quyết tố cáo về bảo hiểm xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội trước năm 1995.

Luật Bảo hiểm xã hội gồm 11 chương, 141 điều sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Mục tiêu đặt ra khi xây dựng Luật là bảo đảm an sinh xã hội theo quy định của Hiến pháp; thể chế hóa quan điểm, đường lối, nội dung cải cách trong Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và các văn kiện, nghị quyết có liên quan; sửa đổi căn bản vướng mắc, bất cập từ thực tiễn; mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội…