Xúc động với Lễ cưới tập thể của những cặp đôi khuyết tật

NDO -

Với thông điệp “Hãy cùng nhau lan tỏa tình yêu thương và tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau”, chiều 6-12, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển phối hợp Trung tâm Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội đã tổ chức Lễ cưới tập thể "Giấc mơ có thật" lần thứ ba, dành cho các cặp đôi là người khuyết tật, những người có hoàn cảnh khó khăn. 

Nụ cười rạng rỡ của các cặp đôi trong lễ cưới tập thể.
Nụ cười rạng rỡ của các cặp đôi trong lễ cưới tập thể.

Đây cũng là hoạt động mang đậm ý nghĩa nhân văn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của tổ chức Hội Phụ nữ đến những đối tượng phụ nữ yếu thế, thiệt thòi trong xã hội.

Dù buổi chiều mới diễn ra các hoạt động chính thức, nhưng ngay từ sáng, 46 cặp đôi là người khuyết tật, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang yêu nhau hoặc đã đăng ký kết hôn, mong muốn được kết hôn, nhưng không có khả năng, điều kiện tổ chức đám cưới, đang sinh sống tại Hà Nội và các tỉnh phía bắc đã có mặt tại Trung tâm phát triển phụ nữ (20 phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội). Mỗi người một hoàn cảnh khó khăn riêng, nhưng các cặp đôi đến với đám cưới tập thể “Giấc mơ có thật” đều có chung niềm vui, niềm hạnh phúc. Các cặp đôi có mặt từ rất sớm để trang điểm và chuẩn bị các công đoạn trước lễ cưới. Ban Tổ chức tất bật lo liệu để đám cưới đặc biệt với đầy đủ các nghi thức truyền thống được diễn ra trọn vẹn, chu toàn, ấm áp trong sự chúc phúc của người thân, bạn bè và các nhà hảo tâm.

Đong đầy yêu thương “giấc mơ có thật” -0
Các cặp đôi chụp ảnh kỷ niệm. 

Vượt hơn 100 km có mặt tại Hà Nội từ 7 giờ sáng, vợ chồng chị Dương Thị Thu và anh Nguyễn Văn Thêm là những người khuyết tật đến từ thành phố Bắc Giang (Bắc Giang) rưng rưng xúc động khi được tổ chức đám cưới sau chín năm chung sống và đã có với nhau hai mặt con. Lần đầu khoác lên mình chiếc váy cô dâu, chị Dương Thị Thu hạnh phúc khoác tay chồng cùng chụp ảnh, quay video để ghi lại dấu ấn tuyệt vời này trong cuộc đời mình.

Đến với nhau từ năm 2016, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng chị Trịnh Thị Phước và anh Lê Văn Bình, ở xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội chưa thể tổ chức đám cưới. Vợ bị khuyết tật về vận động, chồng là người khiếm thị, cặp đôi cứ lần hồi hỗ trợ nhau trong cuộc sống. Được lựa chọn thay mặt các cặp đôi phát biểu, vợ chồng anh Bình, chị Phước xúc động bày tỏ: “Hôm nay là một ngày đặc biệt đầy ý nghĩa với vợ chồng tôi. Cảm ơn Ban Tổ chức và những nhà hảo tâm đã tạo điều kiện để bao cặp đôi còn khó khăn được tham dự lễ cưới của chính mình. Vợ chồng tôi hứa sẽ chăm chỉ làm việc, phát triển kinh tế để thay đổi cuộc sống, không phụ lòng mong mỏi của mọi người".

Bà Nguyễn Thị Hảo, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Phụ nữ Hà Nội, Phó Trưởng Ban Tổ chức lễ cưới tập thể chia sẻ:  Lễ cưới tập thể mang tên "Giấc mơ có thật" lần thứ ba - năm 2020 đã hiện thực hóa mong mỏi được làm đám cưới của những cặp vợ chồng khuyết tật, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Sau ba lần tổ chức, chương trình đã ghi dấu trong lòng công chúng về sự lan tỏa yêu thương và tình người, "không để ai bị bỏ lại phía sau". Lễ cưới chính là món quà, thể hiện sự quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện của xã hội cho những người khuyết tật, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có cơ hội làm đám cưới chính thức, xây dựng mái ấm gia đình; qua đó tạo động lực cho họ vượt qua hoàn cảnh, vươn lên xây dựng gia đình, góp phần phát triển xã hội.

“Giấc mơ có thật" năm 2020 là một hoạt động xã hội mang tính nhân văn sâu sắc, thu hút sự chung tay của nhiều doanh nghiệp và cộng đồng xã hội. Từ năm 2018 đến nay, hơn 100 cặp đôi đã tham dự lễ cưới tập thể, ghi dấu những phút giây trọng đại, hạnh phúc của cuộc sống lứa đôi.