Tuy đã thu được những thành tựu nhất định, song Việt Nam cần phải quyết liệt hơn, phải tạo đột phá với chiến lược phù hợp.
Động lực phục hồi và tăng tốc
Chương trình chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 6/2020 đã xác định rõ quan điểm lấy người dân là trung tâm của quá trình chuyển đổi. Trong ba trụ cột của chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ số là để phục vụ người dân tốt hơn, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số để người dân giàu hơn và phát triển xã hội số để người dân hạnh phúc hơn. Chiến lược này cũng khẳng định, nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số.
Một cơ quan, tổ chức có thể tiến hành chuyển đổi số ngay thông qua việc sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có để số hóa toàn bộ tài sản thông tin của mình, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức và chuyển đổi các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số. Mọi tổ chức phải cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, trong đó, việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương có ý nghĩa sống còn; là cơ hội để phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương và nâng cao thứ hạng quốc gia. Đi nhanh, đi trước giúp dễ thu hút nguồn lực. Nếu đi chậm, đi sau, khi chuyển đổi số đã trở thành xu hướng phổ biến, nguồn lực trở nên khan hiếm, sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển.
Có thể khẳng định, bước tiếp theo là thay đổi cách làm, nhờ vào dữ liệu và công nghệ số. Đặc biệt, hai năm qua, khi đại dịch Covid-19 ập đến, nhiều thành phố trên thế giới đã quyết tâm đẩy nhanh chuyển đổi số, sử dụng mạnh mẽ công nghệ số, coi đây là giải pháp quan trọng cho sự phát triển bền vững. Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng khẳng định, chuyển đổi số đã trở thành một động lực mới để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, góp phần đẩy lùi dịch bệnh và phục hồi kinh tế ở Việt Nam.
Trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, từ cơ hội đã biến thành động lực quan trọng cho việc phục hồi, cũng như phát triển đất nước. Nhìn một cách khách quan, chuyển đổi số năm 2021 bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực như nhận thức trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và toàn dân đã được nâng cao. Công nghệ số đã từng bước thâm nhập vào hoạt động của Chính phủ, các ngành kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, còn rất nhiều việc cần được thảo luận, tháo gỡ để tiếp tục triển khai.
Trách nhiệm đi đầu và đứng đầu
Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT Nguyễn Văn Khoa cho rằng, chuyển đổi số đang tạo ra những sự thay đổi chưa từng có trong mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội đất nước. Dù vậy, hành trình chuyển đổi số để xây dựng kinh tế số, xã hội số mới đang ở giai đoạn khởi động cho một chặng đường dài với nhiều thách thức.
Trong phiên họp đầu tiên của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cuối tháng 11/2021, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng một lần nữa nhấn mạnh, chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là về công nghệ. Chính vì vậy, Chính phủ phải đi đầu và dẫn dắt về chuyển đổi số, trong đó có việc tạo ra các thể chế số. Chính phủ đi đầu về chi tiêu cho chuyển đổi số, sẽ tạo ra thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ số. Chính phủ đi đầu về chi cho nghiên cứu cơ bản một số công nghệ số nền tảng của chuyển đổi số sẽ tạo những cú huých quan trọng cho chuyển đổi số thành công tại Việt Nam. “Cách tiếp cận phù hợp nhất trong bối cảnh thay đổi nhanh và khó đoán định ngày nay là bước đi nhỏ nhưng tầm nhìn xa”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Nhìn nhận về quá trình phát triển chuyển đổi số, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số khẳng định: Hoạt động chuyển đổi số ở nước ta thời gian qua đã đạt được những thành tựu nhất định. Các chủ trương, thể chế, chính sách về chuyển đổi số là tương đối đầy đủ. Các văn bản pháp lý cơ bản đã được ban hành. Tuy nhiên, từ nhận thức đến hành động còn khoảng cách, cần nhiều thời gian để lấp đầy. Một số bộ, ngành, địa phương chưa coi trọng chuyển đổi số, nhất là người đứng đầu.
“Kinh nghiệm cho thấy nếu có sự quan tâm của người đứng đầu thì mọi việc suôn sẻ, khó khăn được giải quyết, vướng mắc được tháo gỡ, quan tâm lãnh đạo chỉ đạo được thường xuyên, sát sao; công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện hiệu quả. Nếu người đứng đầu không quan tâm, chỉ đạo sát sao thì hiệu quả thấp, không đạt được mục tiêu đề ra. Nguyên nhân chủ yếu của các hạn chế, bất cập vẫn là nguyên nhân chủ quan, nhất là do cán bộ, người đứng đầu”, Thủ tướng chỉ rõ.
LINH GIANG