Phép thử khắc nghiệt và sức sống mãnh liệt của thành phố mang tên Bác

Vượt qua cơn bão Covid-19 với biến chủng Delta, TP Hồ Chí Minh đã gượng dậy, từng bước trở lại nhịp sống vốn có. Trong ánh mắt của mỗi người dân ánh lên niềm hy vọng về ngày mới tươi đẹp hơn.

Với nền tảng vững chắc và nhiều khát vọng, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục bứt phá vươn lên mạnh mẽ. Ảnh: Hoàng Triều
Với nền tảng vững chắc và nhiều khát vọng, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục bứt phá vươn lên mạnh mẽ. Ảnh: Hoàng Triều

Chính truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo của một thành phố anh hùng cùng sự đồng lòng, chung sức của cả nước, tạo nên sức mạnh, nguồn động lực to lớn để “đầu tàu” kinh tế tiếp tục vươn lên.

Thích ứng linh hoạt, an toàn

Bí thư Chi bộ khu phố 1, phường 14, quận 5, TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Kim Oanh trở lại với công việc bận rộn của mình sau khi thành phố bước vào thời kỳ “bình thường mới”. Ở tuổi 70, ngày nào bà cũng lên, xuống năm tầng lầu chung cư cũ 854 Nguyễn Trãi để làm công việc của một bí thư chi bộ khu phố, một tổ trưởng dân phố. “Khi chưa nhiễm Covid-19, tôi lên xuống khỏe re à, giờ cảm thấy mệt hơn rồi. Nhưng không đi không được. Bà con vẫn đang cần mình”, bà Kim Oanh chia sẻ. Càng vui khi chứng kiến thành phố hồi phục từng ngày, bà Oanh càng cẩn trọng nhắc nhở bà con thực hiện đầy đủ 5K, không được chủ quan, lơ là phòng, chống dịch. Mỗi khi có F0 trên địa bàn, bà nhanh chóng liên hệ với trạm y tế phường để nhân viên y tế đến thăm khám, cấp thuốc.

Niềm lạc quan hiện rõ trên khuôn mặt doanh nhân Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình khi chia sẻ, đến nay doanh nghiệp đã vượt 14,6% lũy kế tổng giá trị trúng thầu so kế hoạch năm 2021 đặt ra… Kết quả ấn tượng ấy là trái ngọt có được từ sự nỗ lực khởi động lại sau giãn cách.

Ngành trở lại tích cực nhất và sớm nhất khi thành phố bắt đầu bước vào giai đoạn “bình thường mới”, chính là du lịch. Giám đốc Truyền thông-Marketing, Công ty TST Tourist Nguyễn Minh Mẫn cho biết, khi thành phố có kế hoạch phục hồi kinh tế, công ty đã nhanh chóng khảo sát các tua du lịch mới nhằm tạo ra những điểm đến hấp dẫn ngay trong lòng thành phố. Đây cũng là hướng đi mang tính thích ứng của công ty trong chặng đường hồi phục ngành du lịch, bên cạnh việc thăm dò những tua du lịch an toàn đến “vùng xanh” ở các tỉnh, thành phố khác.

Dư chấn của đại dịch chưa dứt, nhưng những câu chuyện trên phần nào cho thấy tâm thế của người dân thành phố, của những doanh nghiệp hôm nay. Sống chậm lại, sống sâu hơn, lo toan không chỉ cho gia đình, doanh nghiệp của mình mà hướng đến cộng đồng, sự gắn kết đã mang lại những giá trị hữu hình, cũng chính là “nguồn sống” mạnh mẽ của thành phố.

Nỗ lực kiểm soát tốt dịch bệnh

TP Hồ Chí Minh có bứt phá phát triển kinh tế-xã hội được hay không phụ thuộc rất lớn việc bảo đảm kiểm soát tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Tại Hội nghị Thành ủy TP Hồ Chí Minh hồi tháng 10/2021, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Phòng, chống dịch Covid-19 vẫn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong chặng đường sắp tới của thành phố. Có kiểm soát tốt được dịch bệnh, thành phố mới có điều kiện bứt phá để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch kinh tế-văn hóa-xã hội từng năm cũng như hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 11 đã đề ra.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Vĩnh Châu, ngành y tế thành phố đã xây dựng bốn kịch bản ứng phó theo cấp độ dịch trong tình hình mới để chủ động kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19 trong điều kiện thành phố mở cửa trở lại. Thành phố đã kích hoạt các trạm y tế lưu động, tăng cường đội ngũ bác sĩ tư vấn, hỗ trợ F0. Đề nghị các bệnh viện thành lập bệnh viện dã chiến quận, huyện để thu dung, điều trị F0 trên địa bàn cùng với việc thành lập mô hình bệnh viện dã chiến ba tầng của thành phố để điều trị F0 trong điều kiện số ca nhiễm tăng lên và có nhiều trường hợp nặng. Thành phố đang tiến hành bổ sung, xây dựng đề án phát triển ngành y tế nhằm đáp ứng công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân trong điều kiện có dịch bệnh xảy ra.

“Chúng tôi đã rà soát, cân đối lại lực lượng nhân viên y tế trong tình hình mới hiện nay nhằm chủ động một bước trong việc ứng phó dịch bệnh. Có thể nói, với nhân lực và điều kiện cơ sở vật chất hiện nay, thành phố có thể tiếp nhận điều trị cùng lúc khoảng 120 nghìn trường hợp F0”, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu chia sẻ.

Thêm tin vui đến với người dân thành phố khi Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh thành lập Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm (RCID) vào cuối tháng 11/2021. PGS, TS Nguyễn Phương Thảo, phụ trách đề án xây dựng RCID cho biết, RCID sẽ tập trung nghiên cứu đặc điểm sinh bệnh học, di truyền và kháng thuốc của các vi khuẩn gây nhiễm trùng cơ hội, làm trầm trọng thêm triệu chứng của các bệnh nhân Covid-19. Đây là cơ sở quan trọng cung cấp hiểu biết rõ hơn về dịch tễ, đặc điểm của các vi khuẩn này tại Việt Nam, đồng thời kiến nghị các biện pháp đối phó phù hợp…

Tự tin bứt phá

Chỉ sau hơn hai tháng nới lỏng giãn cách xã hội, kinh tế TP Hồ Chí Minh đã có những chuyển biến tích cực. Hầu hết các doanh nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố đều đã hoạt động trở lại. Đó là minh chứng sinh động cho tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm của người dân, doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh.

Trở lại với câu chuyện của doanh nhân Lê Viết Hải, điều mà ông tâm đắc nhất chính là giá trị của việc sớm định vị lối đi trong “bão”. Đối diện với thách thức chưa có tiền lệ, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã bình tĩnh, nhanh chóng tập trung vào nhóm giải pháp trọng tâm gồm: tái cấu trúc hệ thống quản lý, mô hình kinh doanh; tái cấu trúc nguồn nhân lực và tái cấu trúc tài chính song song với tái cấu trúc sản phẩm, dịch vụ, thị trường… Đến nay, những giải pháp này đã từng bước phát huy tác dụng.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, TP Hồ Chí Minh dù bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 nhưng vẫn còn đó nền tảng vững chắc để có thể phát triển, bứt phá trong thời gian tới. GS Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhìn nhận, nếu coi TP Hồ Chí Minh là một đoàn tàu, thì sau đại dịch, đoàn tàu ấy còn nguyên đầu tàu và các toa tàu; còn nguyên đường ray, trưởng tàu, lái tàu, trưởng toa và 94% số nhân viên các toa tàu. Vì tàu đã không chạy bốn tháng nên không còn tiền để mua dầu và tạm ứng lương cho người lao động. Nếu cho vay tiền để mua dầu và trả lương ba tháng, đoàn tàu sẽ chạy lại ngay, có tiền bán vé sẽ trả được nợ. Nhiều yếu tố sẽ giúp kinh tế TP Hồ Chí Minh bứt phá nhanh chóng trong thời gian tới. Trong đó, yếu tố quan trọng là ý chí vươn lên, tinh thần sáng tạo của đồng bào thành phố, của giới khoa học công nghệ, giới doanh nhân và tinh thần “thành phố vì cả nước, cả nước vì thành phố” càng được tăng cường mạnh mẽ qua đại dịch Covid-19.

Chia sẻ góc nhìn lạc quan ấy, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh Phạm Chánh Trực đánh giá cao vốn quý của thành phố có được nhờ luôn vượt khó, cũng như luôn khởi xướng, đột phá nhiều chủ trương, cách làm mới, đem lại hiệu quả to lớn, tạo sức lan tỏa ra cả nước. Từ TP Hồ Chí Minh, hàng loạt mô hình lớn, đầu tiên và thành công đã ra đời như: Khu chế xuất Tân Thuận, Linh Trung (1991-1992); Trung tâm giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh, sở giao dịch chứng khoán đầu tiên của Việt Nam (1993); Công viên phần mềm Quang Trung (2000); chuỗi siêu thị Co.op và đặc biệt là khu công nghệ cao… Với lịch sử đáng tự hào như vậy, người dân thành phố vững tin TP Hồ Chí Minh sẽ nhanh chóng vượt qua được những khó khăn trước mắt, vươn lên mạnh mẽ.

Đánh giá cao sự năng động, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm của người dân, doanh nghiệp và chính quyền, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi tự tin, thành phố không chỉ quyết tâm giữ vững vai trò “đầu tàu” kinh tế của cả nước. Xa hơn, người dân và chính quyền quyết tâm xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học-công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á; trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao. Thành phố phấn đấu đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 8.500 USD; năm 2030 là 13.000 USD và năm 2045 là 37.000 USD…

Dịch Covid-19 vẫn là một ẩn số đối với toàn cầu. Tuy nhiên, gượng dậy sau những ngày chữa trị, thành phố hôm nay đã tạo cho mình một hành trang để có thể đi xuyên qua những biến cố với khí chất hào sảng thấm đẫm nghĩa tình, với quyết tâm cao nhất để luôn xứng đáng là thành phố mang tên Bác.

Xuân đang tới, bà Nguyễn Thị Kim Oanh cùng bà con khu phố đang chăm chút một cái Tết ấm áp tình người… Nhiều khu dân cư, nhiều doanh nghiệp ở thành phố, mỗi người một chút cùng nhau tạo nên Tết sum vầy, một cái Tết của niềm hy vọng.

Hồng Lâm, Mạnh Hảo, Tùng Quang