“Đô thị sinh thái” Phong Điền
Cái nóng của một ngày miền tây nắng gắt như dịu hẳn khi chúng tôi lạc vào không gian bao la xanh mát của Làng du lịch Mỹ Khánh, địa danh nổi tiếng thuộc xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền.
Cách trung tâm Cần Thơ khoảng 16 km, Phong Ðiền được ví như vành đai xanh của thành phố với hơn 8.500 ha đất vườn trồng nhiều loại trái cây đặc sản. Người dân nơi đây nổi tiếng là nhanh nhạy trong làm du lịch. Đây cũng là huyện đi đầu của thành phố hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới vào năm 2016. Cũng năm này, Thành ủy Cần Thơ ban hành Nghị quyết 07 về xây dựng và phát triển Phong Điền thành đô thị sinh thái. Điều đáng nói, Ðề án Xây dựng và Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù TP Cần Thơ giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn 2030 cũng xác định Phong Ðiền là một trong ba địa phương được hình thành các sản phẩm du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn trở thành đặc trưng của Cần Thơ.
Tính đến nay, theo số liệu của Trung tâm Xúc tiến Thương mại-Du lịch và Quản lý di tích huyện, Phong Ðiền có tổng cộng 63 điểm du lịch, trong đó có 29 điểm vườn, chiếm tỷ lệ 46%. Tâm đắc với việc khai thác yếu tố văn hóa bản địa làm nên những sản phẩm du lịch đặc trưng, Giám đốc trung tâm Võ Thành Giúp chia sẻ, huyện đang tính thử nghiệm chọn một đoạn kênh, rạch kết nối với các làng nghề, khu nghỉ dưỡng để có thể mang đến các trải nghiệm văn hóa sông nước phong phú...
Nỗ lực làm mới để phục hồi
Là một cù lao rộng chưa đến 75 ha nằm giữa sông Hậu mênh mang, thuộc quận Bình Thủy, Cồn Sơn trước kia gặp nhiều khó khăn vì vị trí tách biệt, người dân sinh sống chủ yếu bằng trồng cây ăn quả, nuôi cá. Mấy năm gần đây, địa danh này trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Cồn Sơn có khoảng 20 hộ dân tham gia làm du lịch với các sản phẩm dịch vụ đa dạng như lưu trú homestay, thăm vườn, thưởng thức trái cây, xem cá lóc bay, tìm hiểu mô hình nuôi cá bè và massage cá có vẩy, trải nghiệm tự tay làm bánh dân gian Nam Bộ, tát mương bắt cá hay thả hồn trong giai điệu đờn ca tài tử mộc mạc tình quê giữa thiên nhiên khoáng đạt…
Hai năm qua, dù ảnh hưởng dịch Covid-19, du lịch Cồn Sơn gặp khó nhưng bà con nơi đây không quên dành tâm sức cho việc phát triển sản phẩm du lịch bản địa. Việc chuẩn bị cho việc mở cửa lại du lịch theo tinh thần thích ứng với tình hình mới cũng đến được tính đến. Anh Nguyễn Thành Tâm, nhà vườn Thành Tâm chia sẻ, đang nuôi con giống để làm sản phẩm cá bơi trên cạn rồi kết hợp với mô hình thả cá về tự nhiên của chú Bảy Bon để hình thành sản phẩm du lịch giáo dục, bảo vệ thủy sản nước ngọt. Còn ông Bảy Bon, bè cá Bảy Bon tâm đắc với ý tưởng đóng gói đông lạnh hay sấy khô rau quả phong phú của Cồn Sơn để có thêm lựa chọn cho du khách mua về làm quà…
Người Cồn Sơn còn tập quen với công nghệ và học hỏi qua các nền tảng trực tuyến hay tham gia tọa đàm trao đổi về định hướng xây dựng sản phẩm, chuỗi giá trị nông sản, tập huấn kiến thức cho hướng dẫn viên… Được biết, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) đang hỗ trợ người Cồn Sơn xây dựng các sản phẩm OCOP, đồng hành cùng bà con tìm giải pháp nâng cao giá trị, xây dựng thương hiệu nông sản địa phương góp phần làm đa dạng hoạt động du lịch.
Để hỗ trợ bà con, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ Nguyễn Minh Tuấn cho biết: Sở đã phối hợp các cấp, ngành hỗ trợ tiền điện cho các cơ sở lưu trú cũng như giúp doanh nghiệp nguồn vốn vay; đa dạng hình thức hỗ trợ người lao động trong lĩnh vực du lịch theo quy định của Nghị quyết 52 của Hội đồng nhân dân thành phố. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số để mở rộng giới thiệu du lịch Cần Thơ đối với trong nước và thế giới…
Hơn lúc nào hết, du lịch sinh thái miệt vườn hướng đến phát triển du lịch cộng đồng của Cần Thơ đang cần sự chung tay góp sức của cả người dân và chính quyền, để ngành kinh tế mũi nhọn sớm phục hồi và phát triển mạnh mẽ đúng như chủ trương Nghị quyết 03-NQ/TU của Thành ủy Cần Thơ, Kế hoạch số 111/KH-UBND của thành phố đã xác định.
PHƯƠNG LIÊN