Động lực mới, sức bật mới

Sau 18 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX, Đà Nẵng đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành một thành phố năng động, sáng tạo. Để tiếp tục mở rộng không gian phát triển mới cho thành phố, Chính phủ đã thông qua bản điều chỉnh quy hoạch với tầm nhìn đưa Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế-xã hội lớn của Việt Nam và Đông Nam Á.

Cảng Tiên Sa, đầu mối giao thông quan trọng để Đà Nẵng phát triển trong hơn 20 năm qua.
Cảng Tiên Sa, đầu mối giao thông quan trọng để Đà Nẵng phát triển trong hơn 20 năm qua.

Bước vào năm 2022, một năm quan trọng trong chiến lược phát triển dài hạn của thành phố bên sông Hàn, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng trải lòng, Đà Nẵng vừa quyết tâm ngăn chặn dịch bệnh, bảo đảm đời sống người dân, vừa nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất.

Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 119 “Về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng” của Quốc hội, Quyết định phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng của Chính phủ và sự hỗ trợ tối đa của các bộ, ngành Trung ương, sự phối hợp chặt chẽ từ các địa phương bạn... sẽ là động lực, tạo không gian để Đà Nẵng phát triển nhanh hơn, vững chắc hơn.

Về tầm nhìn dài hạn cho đô thị Đà Nẵng, theo Quyết định 359/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 15/3/2021, phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đến năm 2030, Đà Nẵng trở thành đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền trung-Tây Nguyên; trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống.

Không chỉ là một trong những trung tâm văn hóa-thể thao, giáo dục-đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học-công nghệ phát triển của đất nước, trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế, Đà Nẵng còn gắn với trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ…

Khởi đầu cho việc hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược, ngày 25/3/2021, Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng cảng Liên Chiểu, phần cơ sở hạ tầng dùng chung với tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng. Ông Trần Lê Tuấn, Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng kỳ vọng: Việc hình thành cảng nước sâu Liên Chiểu nằm ngay dưới chân đèo Hải Vân rất thuận tiện về giao thông, sẽ tạo động lực mạnh mẽ hệ thống phát triển cảng biển Việt Nam ở miền trung, giúp khai thác tối đa hạ tầng giao thông quốc gia...

Thêm nữa, do nằm gần các khu công nghiệp lớn của Đà Nẵng như khu công nghiệp Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng, Liên Chiểu, Khu công nghệ cao và Khu công nghệ thông tin tập trung, cảng Liên Chiểu còn giúp hình thành chuỗi logistics, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa, dễ dàng tiếp cận các thị trường hàng hóa tiềm năng tại các vùng như nam Lào, đông bắc Thái Lan,...

Cùng với dự án cảng Liên Chiểu ở phía bắc thành phố, Đà Nẵng đang khẩn trương thực hiện dự án nạo vét sông Cổ Cò. Đây vốn là tuyến đường thủy kết nối giao thương giữa hai cảng thị lớn là Hội An và Đà Nẵng, nhưng đã bị bồi lấp dần từ 300 năm trước. Đến năm 2019, chính quyền Đà Nẵng và Quảng Nam chính thức phối hợp triển khai dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, việc khơi thông sông Cổ Cò, đầu tư hoàn thiện hạ tầng hai bên bờ sông, xây dựng 12 cây cầu nối hai bờ đông-tây sẽ hình thành các dự án, các khu đô thị đồng bộ, hiện đại, quy hoạch hệ thống các điểm dừng chân, vui chơi giải trí phục vụ phát triển du lịch dọc tuyến sông. Dự án không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, tạo điểm nhấn kiến trúc quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch đường sông, kết nối Di sản văn hóa thế giới Hội An với TP Đà Nẵng, mà còn có ý nghĩa lịch sử, văn hóa và nhân văn sâu sắc.

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh khẳng định, trong năm 2022, bên cạnh việc triển khai kế hoạch thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, Đà Nẵng sẽ tập trung phục hồi và tăng trưởng kinh tế, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, động lực. Trước hết, phải sớm hoàn thành việc nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò; tiếp tục triển khai xây dựng Làng đại học Đà Nẵng nằm giữa Đà Nẵng và Quảng Nam, khởi công phần hạ tầng dùng chung cảng Liên Chiểu vào quý III, đường tránh nam hầm Hải Vân từ Hòa Liên đến Túy Loan nối với đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, đường vành đai 2, đường vành đai phía tây...

Đồng thời đẩy nhanh thủ tục đầu tư đối với Khu công nghiệp hỗ trợ Khu công nghệ cao, hình thành ba khu công nghiệp mới: Hòa Ninh, Hòa Nhơn, Hòa Cầm (giai đoạn 2), chuẩn bị các bước cho khởi công nhà ga T3 sân bay quốc tế Đà Nẵng,... mở rộng các tuyến quốc lộ 14B, 14G, cao tốc La Sơn-Túy Loan, Nhà ga đường sắt mới... Những công trình này sẽ tác động trực tiếp đến việc phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Đà Nẵng.

Hoàng Vĩnh, Thanh Tùng