Hiệu ứng từ cơ chế mở
Triển khai thực hiện Nghị quyết 55, Bộ Công thương đã phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu đề xuất các khung khổ pháp lý xây dựng cơ chế khuyến khích đầu tư tư nhân vào các dự án điện, đặc biệt là các dự án năng lượng tái tạo. Trong đó, đáng chú ý là Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam…
Theo số liệu được Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) công bố, tổng công suất các dự án nguồn điện đầu tư theo hình thức BOT và IPP (không kể các nguồn điện gió, điện mặt trời và thủy điện nhỏ) đã đưa vào vận hành đến hết năm 2020 là 7.355 MW/62.250 MW tổng công suất các nguồn điện (chiếm 11,8%). Các dự án nguồn nhiệt điện đầu tư theo hình thức BOT và IPP đang triển khai thực hiện (đã có chủ đầu tư, dự kiến sẽ đưa vào vận hành trong giai đoạn đến năm 2030) là khoảng 27.250 MW.
Đối với nguồn điện năng lượng tái tạo, tính đến hết năm 2020, trong tổng số 69.340 MW công suất lắp đặt nguồn điện toàn quốc, đã có 16.420 MW điện mặt trời (bao gồm 8.673 MW điện mặt trời tập trung và 7.755 MW điện mặt trời mái nhà), 514 MW điện gió, 382,1 MW điện sinh khối, 9,43 MW điện rác, điện năng lượng tái tạo chiếm 25,3% tổng công suất lắp đặt.
Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Điện lực và Năng lượng tái tạo nhìn nhận, các nguồn năng lượng tái tạo gia tăng đóng vai trò không nhỏ trong bảo đảm cung ứng điện cho phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025. Nguồn vốn của các nhà đầu tư tư nhân vào năng lượng tái tạo đóng vai trò quan trọng trong giảm phát thải khí nhà kính và các phát thải ô nhiễm khác. Tuy nhiên, “do còn vướng một số bất cập về cơ chế, chính sách nên doanh nghiệp tư nhân còn e ngại đầu tư vào các dự án điện”, ông Hoàng Tiến Dũng cho biết.
Giải tỏa nút thắt trong đầu tư hạ tầng điện
Giải pháp mấu chốt trong thu hút đầu tư dự án điện chính là việc sớm thông qua chính sách giá điện phù hợp, đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Vấn đề nữa là khả năng đáp ứng của hệ thống truyền tải điện. Giải quyết nút thắt này, ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư xây dựng Trung Nam (Trungnam Group)-nhà đầu tư với dự án nhà máy điện mặt trời, điện gió có công suất lớn ở Việt Nam hiện nay kiến nghị, Nhà nước xem xét việc cho phép tư nhân tham gia đầu tư một phần vào dự án truyền tải điện, giúp giảm áp lực cho ngân sách nhà nước và đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Vấn đề điều tiết để bảo đảm an ninh năng lượng sau khi nhà đầu tư bàn giao dự án truyền tải, câu chuyện phân chia quyền lợi, nghĩa vụ giữa cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư cần được xem xét thấu đáo giữa các bên. “Theo tôi, có thể đưa ra phương án là Tập đoàn Điện lực Việt Nam hưởng một phần lợi tức về quản lý, điều tiết điện và các vấn đề có liên quan đến an ninh năng lượng quốc gia. Nhà đầu tư hưởng một phần lợi tức tùy theo hai bên thương thảo. Các đơn vị, công ty trả phí khi sử dụng đường truyền tải mà chủ đầu tư đã bỏ vốn xây dựng”, ông Thịnh đề xuất.
Được biết, Bộ Công thương đang tiến hành nghiên cứu, sửa đổi Luật Ðiện lực để có cơ sở thực hiện xã hội hóa hoạt động truyền tải điện, nhằm tháo gỡ nút thắt quan trọng trong hạ tầng năng lượng. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Chính phủ cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút vốn đầu tư tư nhân phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo giai đoạn tới như cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Việc thực hiện cơ chế này tuy mất nhiều thời gian hơn, nhưng sẽ công bằng, minh bạch, bảo đảm sự hài hòa, cân đối giữa phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo và lưới truyền tải. Từ đó nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án năng lượng.
BẢO LÂM