Tôi đọc đâu đó một giai thoại thế này: Khi được hỏi cái gì là dấu vết đầu tiên của văn minh nhân loại trong lĩnh vực văn hóa, nhà nhân chủng học Mỹ Margaret Mead (1901-1978) trả lời, đó là một khúc xương đùi bị gãy được chữa lành. Bà giải thích, trong thế giới của động vật, gãy chân nghĩa là chết. Con thú bị gãy chân không thể chạy trốn khỏi hiểm nguy, không thể kiếm tìm nguồn nước hay thức ăn. Nó sẽ chết trước khi chiếc chân gãy kịp lành. Khúc xương đùi đã gãy lại được chữa lành của người tiền sử là bằng chứng cho thấy rằng đã có ai đó ở bên cạnh đưa anh ta đến nơi an toàn, canh gác thú dữ, đã chăm sóc, giúp anh ta có cái ăn cho đến khi chữa khỏi vết thương. Giúp đỡ ai đó trong lúc khó khăn chính là khởi nguồn của nền văn minh, là đặc tính của con người.
Bước chuyển CSR 2.0
Mỗi doanh nghiệp cũng chính là một công dân, và có trách nhiệm với môi trường xã hội mà nó thuộc về. Sau một quãng thời gian khá dài, người ta mải mê khai thác tối đa mọi nguồn lực tự nhiên, con người và vật chất, rất nhiều doanh nghiệp đã nhận ra một sự thật rằng, sự tồn tại và phát triển của họ phụ thuộc vào tính bền vững của Trái đất, của thiên nhiên và nền tảng xã hội.
Vietnam Airlines tham gia kết nối con người, VinFast tham vọng giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường bằng xe điện, Viettel mang công nghệ giải quyết các thách thức của cuộc sống… Hay như, hiểu rất rõ rằng càng nhanh chóng thoát khỏi đại dịch Covid-19 sớm chừng nào thì hoạt động kinh doanh càng có thể phục hồi và tiếp tục phát triển, cho nên VinGroup, Sovico, Thaco, Sun Group… dành những khoản đóng góp trị giá hàng nghìn tỷ đồng để mua vaccine, mua trang thiết bị y tế, bệnh viện dã chiến, xây dựng hạ tầng công nghệ,… Đó là những thí dụ sinh động cho chiến lược tích hợp hoạt động kinh doanh vào mục tiêu trách nhiệm xã hội, sử dụng chính sản phẩm lõi của mình để phụng sự con người.
Wayne Visser, tác giả cuốn “Towards Transformative Business”, cho rằng các doanh nghiệp đang chuyển dịch sang phiên bản trách nhiệm xã hội thế hệ thứ hai (CSR 2.0) khi chuyển đổi mô hình kinh doanh để phù hợp các mục tiêu phát triển bền vững. Hoạt động trách nhiệm xã hội không chỉ đơn giản là đền bù cho những tổn thất của mẹ Trái đất, mà là đáp ứng trước các thách thức toàn cầu. Ở mức độ phát triển cao này, doanh nghiệp không coi trách nhiệm xã hội là một cách thể hiện lòng tốt nữa, cũng không phải là cách thức đánh bóng hình ảnh, tạo thiện cảm với công chúng, và cũng không hành động chỉ vì sức ép của đạo đức kinh doanh. Họ đưa CSR 2.0 vào chiến lược kinh doanh rồi hành động vì sứ mệnh và khát vọng chung.
Văn hóa tử tế
Tuy vậy, chúng ta phải thừa nhận rằng, không phải doanh nghiệp nào cũng mang trong mình một tinh thần nhân văn. Sự chuyển dịch nhận thức không phải đồng đều trong cộng đồng kinh doanh, và nó phụ thuộc rất lớn vào tư duy của người lãnh đạo doanh nghiệp. Nếu mục tiêu kiếm tiền và khai thác tận lực thị trường dồi dào sẵn có lấn át các sứ mệnh xã hội, người lãnh đạo doanh nghiệp sẽ không thể xây dựng được cho doanh nghiệp của mình một nền văn hóa tử tế-vốn là một đặc tính nguyên bản của con người.
Văn hóa tử tế, có thể được định nghĩa bao hàm lòng tốt, dạ từ bi và tinh thần tôn trọng đối với con người và môi trường sống, chỉ có thể có được nếu bản thân người lãnh đạo truyền được cảm hứng về sự tử tế đối với người khác, với cộng đồng, với chính mình và với mẹ Trái đất. Southwest Airlines tin rằng, nếu làm cho nhân viên của mình hạnh phúc, thì họ sẽ làm cho khách hàng hạnh phúc. Tỷ phú quá cố Tony Sieh của Zappos lấy hạnh phúc của khách hàng làm thước đo cho sự thành công của mỗi thành viên trong công ty. TokyoLife kiến tạo một môi trường yêu thương và tôn trọng với người khuyết tật để khuyến khích họ lao động và tạo ra giá trị.
Trong cuộc chiến với Covid-19, sự tử tế chính là đau với nỗi đau mất mát của con người, là sự chia sẻ với nỗi vất vả, hiểm nguy của các y, bác sĩ, các chiến sĩ bộ đội, công an và tình nguyện viên chống dịch, là sự hỗ trợ với những hoàn cảnh khó khăn, là sự cảm thông với thiệt hại nặng nề của doanh nghiệp, là sự chia sẻ gánh nặng quốc gia, và trên hết là chung tay hành động để đẩy lùi đại dịch. Những doanh nghiệp và doanh nhân thấm đẫm một văn hóa tử tế đã và đang tham gia vào sứ mệnh chung này, bất chấp những khó khăn chồng chất đối với chính họ.
Tại Diễn đàn Văn hóa với doanh nghiệp có chủ đề “Tiếp biến văn hóa và những giá trị dẫn dắt trong phục hồi kinh tế từ góc độ văn hóa kinh doanh” được tổ chức hồi đầu tháng 12/2021, các diễn giả chuyên gia và doanh nhân đều thống nhất rằng, những giá trị nhân văn, hướng về con người, lấy con người làm gốc, chính là những yếu tố giúp họ tồn tại, ổn định và vượt sóng. Ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, nhìn nhận, hãy tiếp nhận và phát huy tất cả những giá trị nào phù hợp với nhân tính, đó chính là nền tảng phục hồi và phát triển.
Để bền vững chính là hướng vào con người
Wayne Visser nói rằng, có năm tiêu chí để chuyển đổi mô hình kinh doanh theo triết lý CSR 2.0. Đó là sự sáng tạo trong các giải pháp kinh doanh mới, là khả năng nhân rộng quy mô để tạo hiệu quả rộng khắp, là khả năng thích ứng với sự biến động của xã hội và môi trường, là tư duy toàn cầu-hành động địa phương, và là khả năng áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm sự lãng phí tài nguyên.
Khi tôi gặp ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch Công ty An Phát Holding lần đầu, công ty đang phát triển rất tốt với sản phẩm túi nhựa xuất khẩu. Nhưng đúng lúc ở đỉnh cao hiệu quả kinh doanh, ông Dương quyết định chuyển hướng sản xuất những sản phẩm có thể phân hủy, thay thế cho túi nhựa ô nhiễm môi trường. Đó là một quyết định dũng cảm, vì tương lai.
Một khách hàng của tôi là thương hiệu chăm sóc tóc Davines. Họ bền bỉ với mục tiêu bền vững, và cam kết triển khai mọi sáng kiến phục hồi và duy trì sự phát triển bền vững của môi trường, của xã hội và của con người. Đó có thể là chiến dịch phủ xanh không gian sống, vận động nhận thức và hành động chống rác thải nhựa đại dương, đến sự bảo tồn những loại hình văn hóa nghệ thuật mong manh sắp mất. Họ dùng chính sản phẩm của họ làm động lực trồng thêm cây, tài trợ cho các nghệ sĩ truyền tải thông điệp đánh thức xã hội. Họ là một thương hiệu hành động xã hội.
Ngày nay, các doanh nghiệp, thương hiệu muốn chinh phục khách hàng không chỉ cần phải có một sản phẩm chất lượng cao. Họ còn phải có một mối quan hệ tích cực với khách hàng, mà nền tảng của nó chính là sự kết nối nhân văn, dựa trên một mục đích xã hội nào đó. Nó là lý do mà doanh nghiệp tồn tại và đáng được ủng hộ.
Trong thế giới của chúng ta, công nghệ đang phát triển và làm thay đổi cuộc sống mỗi ngày. Hẳn nhiều người nghĩ dần dần công nghệ sẽ thay thế con người. Nhưng những gì chúng ta nhận thấy đang biểu hiện ngược lại. Công nghệ càng phát triển, khách hàng càng khát khao sự kết nối với con người. Ông Ian Mcateer, Chủ tịch Công ty The Union ở Scotland nói: “Công nghệ thúc đẩy sự cá nhân hóa và tùy chỉnh trải nghiệm nhiều hơn, đồng thời người tiêu dùng đòi hỏi tính nguyên bản cao hơn và trải nghiệm đạo đức hơn, áp lực đối với các thương hiệu phải trở nên nhân văn hơn, đồng cảm hơn và thực tế hơn sẽ càng trở nên vĩ đại hơn”.
Điều đó đồng nghĩa, doanh nghiệp cần sự thấu cảm đối với những mong muốn, nhu cầu và cả thách thức của con người và cộng đồng, và hành động để tạo ra sự khác biệt một cách tích cực.
Trong một xã hội hậu Covid-19, doanh nghiệp phải thật sự khác biệt để chiến thắng. Điều này không đơn thuần chỉ là quảng cáo hay marketing, mà là khả năng giải quyết các vấn đề của khách hàng, với tư cách là những con người.