Được sự đồng thuận của nhiều người
Hiện nay, đồng bào người Chăm ở Bình Thuận sống rải rác tại các huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, Tánh Linh... Trong đó, Hồi giáo Bàni có 20.058 tín đồ, chiếm 1,6% dân số, với 10 cơ sở thờ tự, 329 chức sắc; Bàlamôn giáo có 18.162 tín đồ, chiếm tỷ lệ 1,44% dân số, với 18 cơ sở thờ tự, 73 chức sắc.
Ngoài ra, còn có khoảng 124 tín đồ Hồi giáo Islam đang sinh hoạt tại huyện Bắc Bình. Riêng huyện Bắc Bình là nơi người Chăm sinh sống đông nhất, có khoảng 20.044 người, chiếm gần 2/3 dân số người Chăm toàn tỉnh. Người Chăm Bình Thuận chia làm hai nhóm tôn giáo chính: Chăm Ahier và người Chăm Awai/Bani (Chăm Hồi giáo Bàni và Bàlamôn giáo).
Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Thuận, giai đoạn từ năm 2018-2019, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc xác định công tác vận động người có uy tín, nhân sĩ trí thức, các chức sắc, cộng đồng dân tộc Chăm để xây dựng lịch Chăm. Sau đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Thuận đã tiến hành tiếp xúc với một số nhân sĩ trí thức Chăm tiêu biểu, các chức sắc đứng đầu hai tôn giáo: Bàlamôn và Bàni ở 10 Ha Law tại các huyện: Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tuy Phong và Tánh Linh nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các chức sắc, cộng đồng dân tộc Chăm; cũng như khẳng định sự cần thiết trong việc xây dựng Lịch Chăm thống nhất trong địa bàn tỉnh.
Phong tục của người Chăm tại huyện Bắc Bình. |
Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc cũng phát phiếu khảo sát cá nhân về nhu cầu sử dụng Lịch Chăm trong cộng đồng dân tộc Chăm và tiến hành làm việc với lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các huyện, xã và các Hội đồng chức sắc ở từng khu vực trong tỉnh; làm việc với sáu chùa, 37 chức sắc, chức việc, nhân sĩ trí thức của Hồi giáo Bàni, Bàlamôn giáo. Qua đó, người đứng đầu chức sắc, tôn giáo, các sư cả khẳng định việc xây dịch Lịch Chăm là cần thiết để phục vụ trong đời sống tâm linh, cũng như sinh hoạt hằng ngày của cộng đồng dân tộc Chăm như Lễ khai đất, dựng nhà, đám cưới, đám hỏi....
Mặt trận Tổ quốc cũng lấy ý kiến từ các giáo sư, tiến sĩ là những chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về Lịch Chăm và đang công tác, làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh. Những người này kiến nghị việc xây dựng Lịch Chăm phải dựa trên cơ sở hài hòa nhận thức của chức sắc Bàni và chức sắc Bàlamôn giáo, cũng như bảo đảm tính khoa học, đồng thời bảo đảm tính thống nhất chung của nhân dân Chăm hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận.
Lễ hội của người Chăm. |
Lịch Hồi giáo trong thực tế không được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng người Chăm theo tôn giáo Hồi giáo Bàni mà chỉ sử dụng trong phạm vi hẹp để tính ngày dùng thuần cho tôn giáo tín ngưỡng như lễ Ramuwan, lễ vào chùa Thang Mu kit, ngày chay và lễ Waha.
Như vậy, toàn bộ người dân tộc Chăm từ trước đến nay dù Bàlamôn hay Bàni đều sử dụng Lịch Chăm chung; Lịch Chăm được cộng đồng tôn trọng và sử dụng rộng rãi như ngày cưới hỏi, tang chế, lễ hội, dựng nhà, mua trâu bò, bán động sản, vào nhà mới, cũng mộng, thu hoạch mùa màng...
Nhiều chính sách chăm lo học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Ngoài ra, người Chăm còn hiểu việc ấn định ngày tháng có tính thiêng liêng, liên quan đến thánh thần của dân tộc. Thực tế người Chăm của tỉnh Bình Thuận giữa hai đạo Bàlamôn và Hồi giáo Bàni sử dụng Lịch Chăm chênh nhau một tháng, Chăm Bàlamôn tháng 4, Chăm Bàni tháng 3. Các vị chức sắc, nhân sĩ, trí thức cũng đề xuất phương án tính Lịch Chăm với hai cách tính gồm: cách tính theo thiên văn và theo chu kỳ 32 năm.
Tuy nhiên, có hai vị sư cả chưa thống nhất về tháng 4 Chăm lịch có 29 ngày, các vị cho rằng tháng 4 Chăm lịch phải là 30 ngày, bắt đầu vào ngày thứ 6, thay vì thứ 7 như hiện nay.
Xây dựng lịch đi vào thực tiễn cuộc sống
Theo bà Bố Thị Xuân Linh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Thuận, trong quá trình vận động, xây dựng “Lịch tín ngưỡng đồng bào Chăm” đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đa số chức sắc, chức việc, nhân sĩ trí thức và tín đồ đồng bào Chăm trong tỉnh nhằm nhằm bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Chăm. Mặt khác, một số thành viên ban biên soạn, hội đồng thẩm định ở xa nên chưa chủ động sắp xếp thời gian dự họp ban biên soạn, hội đồng thẩm định “Lịch tín ngưỡng đồng bào Chăm”. Một số vị chưa thể hiện rõ chính kiến của mình trong việc ban hành lịch Chăm dẫn đến việc thực hiện các nguyên tắc ngày kiêng cử giữa Hồi giáo Bàni và Bàlamôn giáo chưa đi vào nền nếp.
Một phong tục tập quán của người Chăm. |
Trong thời gian tới, bà Bố Thị Xuân Linh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Thuận cho biết, tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động chức sắc, người có uy tín và cộng đồng người Chăm nâng cao nhận thức trong việc xây dựng và đưa vào sử dụng “Lịch tín ngưỡng đồng bào Chăm”.
Bên cạnh đó, Mặt trận tổ quốc tiếp tục rà soát, củng cố kiện toàn ban biên soạn, hội đồng thẩm định gồm đại diện lãnh đạo một số ngành liên quan đến công tác dân tộc, tôn giáo của tỉnh; những chức sắc, chức việc am hiểu Lịch Chăm, có đủ sức khỏe và uy tín trong cộng đồng.
Tỉnh rà soát quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ thành viên ban biên soạn, hội đồng thẩm định “Lịch tín ngưỡng đồng bào Chăm” tỉnh Bình Thuận năm 2024 theo hướng rõ nhiệm vụ, hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp góp phần đưa “Lịch tín ngưỡng đồng bào Chăm” tỉnh Bình Thuận đi vào thực tiễn đời sống sinh hoạt hằng ngày của chức sắc, chức việc và tín đồ đồng bào Chăm trong tỉnh.