Nhiều chính sách chăm lo học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nhằm tăng tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số được chăm sóc, giáo dục tại trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, góp phần duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng giáo dục, chăm sóc học sinh người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện nhiều chính sách chăm lo học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
0:00 / 0:00
0:00
Bữa ăn bán trú tại trường của học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Linh Phú, huyện Chiêm Hóa.
Bữa ăn bán trú tại trường của học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Linh Phú, huyện Chiêm Hóa.

Sau ba năm thực hiện Kế hoạch số 83/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh về Phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, tỉnh Tuyên Quang đã thành lập bốn trường phổ thông dân tộc nội trú liên cấp trung học cơ sở-trung học phổ thông và chuyển đổi 20/26 trường phổ thông thành trường phổ thông dân tộc bán trú. Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số được chăm sóc giáo dục trong trường phổ thông dân tộc nội trú đạt 18,8%, phổ thông dân tộc bán trú đạt 91,7 % theo kế hoạch...

Em Tạ Thanh Ngà, học sinh lớp 9A, Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Linh Phú chia sẻ: "Khi nhà trường được đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị, chúng em được tiếp cận với những thiết bị mới và điều kiện ăn ở, học tập tốt hơn, từ đó chất lượng học tập của chúng em sẽ được nâng lên".

Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Linh Phú, huyện Chiêm Hóa có 607 học sinh, 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Do quãng đường từ nhà tới trường rất xa nên các em học sinh phải ở lại bán trú. Nhờ chính sách của Nhà nước trong việc hỗ trợ tiền ăn, ở bán trú nên cha mẹ học sinh rất vui mừng, yên tâm. Ðể tạo điều kiện thuận lợi cho các em có điều kiện ăn, ở, học tập tốt hơn, năm học 2023-2024, nhà trường được đầu tư xây dựng chín phòng bộ môn, 14 phòng ở và mua sắm trang thiết bị với tổng trị giá 14,2 tỷ đồng.

Ông Lê Ðức Huy, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Chiêm Hóa cho biết: Trong những năm qua, huyện Chiêm Hóa đã thành lập được tám trường bán trú và có 10 trường có học sinh ở bán trú. Các trường đã thực hiện tốt công tác giáo dục và nuôi dạy trẻ, nhất là đối với các em học sinh dân tộc thiểu số. Bên cạnh công tác giảng dạy, các trường cũng quan tâm giáo dục kỹ năng sống, giúp các em có mối quan hệ hài hòa với các đồng bào dân tộc khác. Trong trường, các em được các thầy cô nuôi dạy như con em trong gia đình mình.

Năm học 2023-2024, Trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở và trung học phổ thông huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang có 486 học sinh, trong đó cấp trung học cơ sở có 288 em, cấp trung học phổ thông có 198 em. Ðể bảo đảm cho các em học sinh nội trú có điều kiện học tập tốt nhất, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhà trường được đầu tư xây dựng thêm 12 phòng học, 24 phòng nội trú, nhà bếp và nhà ăn cho học sinh với kinh phí hơn 17 tỷ đồng. Dự kiến năm học 2024-2025, các công trình trên sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Bà Nguyễn Thị Chung, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Từ khi trường được phát triển thành trường liên cấp, việc thiếu các phòng chức năng, thiếu phòng ở cho học sinh cũng ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các em. Ðược Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng thêm phòng học, phòng chức năng, ký túc xá, những công trình này đã tạo điều kiện cho các em được học tập, có chỗ ăn, chỗ ở tốt hơn. Chắc chắn chất lượng giáo dục của nhà trường sẽ được nâng cao hơn nữa.

Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện có bảy trường phổ thông dân tộc nội trú và 39 trường phổ thông dân tộc bán trú với hơn 22.850 học sinh, trong đó có hơn 21.100 học sinh dân tộc thiểu số. Giai đoạn 2021-2024, Ủy ban nhân dân các huyện trong tỉnh tích cực huy động, lồng ghép, ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng mới 184 phòng ở bán trú, 11 nhà ăn, 12 công trình vệ sinh nước sạch, 188 phòng học; mua sắm trang thiết bị dạy học, thiết bị phục vụ công tác nội trú, bán trú. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị hơn 192 tỷ đồng.

Ông Hoàng Minh Cảnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Tuyên Quang cho biết: Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số, hằng năm, Sở Giáo dục và Ðào tạo chỉ đạo các đơn vị trường học xây dựng, thực hiện, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, phù hợp đối tượng học sinh dân tộc thiểu số; đồng thời tổ chức khảo sát, phân loại năng lực học tập của học sinh ngay từ đầu năm học, xây dựng kế hoạch dạy học, phụ đạo, bồi dưỡng phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, đúng đối tượng học sinh.

Trong thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham gia ủng hộ của các tổ chức đoàn thể, nhân dân trong việc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch; tập trung sắp xếp, điều chỉnh, bố trí biên chế, điều động giáo viên cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, bảo đảm tỷ lệ giáo viên trên lớp theo quy định. Bên cạnh đó, tỉnh cũng quan tâm để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng các hạng mục công trình, mua sắm trang thiết bị dạy học, thiết bị phục vụ công tác, nội trú, bán trú.