Chăm lo đồng bào dân tộc thiểu số

Huyện miền núi Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ có hơn 60% số đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống ở 22 xã, thị trấn, trong đó, chủ yếu là người Mường, Dao... Xác định quan tâm, chăm lo, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội cho người dân vùng đồng bào DTTS, miền núi đóng vai trò quan trọng, thời gian qua, huyện Thanh Sơn nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ khiến nhiều địa phương thay da đổi thịt, đời sống của đồng bào ngày càng nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của người Mường luôn được thế hệ trẻ gìn giữ, phát triển.
Nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của người Mường luôn được thế hệ trẻ gìn giữ, phát triển.

Trong ngôi nhà khang trang rộng 70m2, anh Triệu Sinh Hải, khu Quyết Tiến, xã Địch Quả cho biết: “Trước đây, gia đình tôi phải sống trong căn nhà tạm lợp cỏ, vách nứa được làm từ thời cha ông. Căn nhà xuống cấp, không an toàn, dù gia đình thường xuyên sửa chữa, lợp lại mái. Năm 2023, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, được anh em, họ hàng, làng xóm cho vay, ủng hộ ngày công, trả chậm nguyên vật liệu... để xây dựng nhà mới, ổn định cuộc sống. Đến nay, ngôi nhà đã hoàn thành, đi vào sử dụng với kinh phí khoảng 300 triệu đồng”.

Qua rà soát, xã Địch Quả có 11 hộ đồng bào DTTS thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất có nhu cầu hỗ trợ, có hai hộ đã làm xong nhà mới, nhận được kinh phí

hỗ trợ. Khu Sinh Tàn, xã Thượng Cửu có 100% đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Nơi đây trước kia từng được biết đến là khu “ba không”: “Không điện lưới quốc gia, không có sóng dịch vụ viễn thông, không nước sạch”, được ví như một ốc đảo giữa núi rừng đại ngàn.

Anh Đặng Văn Nội, Trưởng khu Sinh Tàn cho biết: “Trước đây đường sá đi lại khó khăn, mỗi lần trong khu có người ốm, phải có hai người dùng võng kiệu tre khiêng, “vượt núi, băng rừng” để đưa xuống trạm y tế xã cấp cứu. Có trường hợp do không cấp cứu kịp thời cho nên được trả về gia đình. Nhưng giờ Sinh Tàn đã thật sự thay da đổi thịt, đường bê-tông nối liền trung tâm xã, điện lưới quốc gia thắp sáng từng nhà, internet phủ sóng kết nối vùng miền, các ngôi nhà khang trang, kiên cố xuất hiện ngày càng nhiều. Số hộ nghèo giảm đáng kể, số hộ có nhà xây kiên cố tăng cao. Khu hiện có 73 hộ, chỉ còn chưa đến 10 hộ nghèo; 30% số hộ có nhà xây kiên cố...

Thời gian qua, công tác dân tộc và chính sách dân tộc được thực hiện trên địa bàn huyện Thanh Sơn đã giúp người dân có thêm điều kiện để giảm nghèo, phát triển kinh tế. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Khối đại đoàn kết được củng cố vững chắc, niềm tin của nhân dân đối với Đảng ngày một nâng cao.

Bí thư Huyện ủy Thanh Sơn Đặng Quang Huy khẳng định: “Công tác dân tộc luôn là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu được các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị quan tâm. Trong 5 năm qua đã có hàng chục nghìn người là đồng bào DTTS được đào tạo nghề, tạo việc làm mới và xuất khẩu lao động. Nhiều hộ được hỗ trợ sửa chữa, xây mới xóa nhà tạm; hàng nghìn ha rừng tự nhiên được bảo vệ. Nhiều sản phẩm đặc trưng của đồng bào như: Chè, lúa nếp, mì, mật ong được sản xuất hữu cơ theo hướng hàng hóa... Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và xây dựng đội ngũ cán bộ là người DTTS ngày càng được quan tâm. Đến nay, tỷ lệ người DTTS là cán bộ cấp huyện chiếm 39,5%, cấp xã 67,8%; đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện 41,94%, cấp xã 68,79%.

Các chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi luôn được huyện quan tâm. Giai đoạn 2021-2024, có 81 công trình giao thông, trường học, thủy lợi, y tế, văn hóa, nước sinh hoạt... được bố trí nguồn vốn. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ở vùng DTTS từng bước được xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Đến nay, 100% các xã trong toàn huyện có đường ô-tô đến trung tâm; tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,6%, số hộ nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 96,5% trở lên; 100% xã có đông đồng bào DTTS có trường học, trạm y tế kiên cố; giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS có nhiều khởi sắc. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên; nhiều học sinh người DTTS vượt lên hoàn cảnh khó khăn, phấn đấu học tập đạt nhiều thành tích cao. Hằng năm có hàng chục nghìn người DTTS thuộc các xã vùng khó khăn được cấp thẻ BHYT miễn phí và hưởng các dịch vụ y tế trong khám, chữa bệnh...■