Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm diễn ra từ ngày 27-29/9 tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
Với chủ đề bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Chăm trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước, Ngày hội có sự tham gia của các đoàn nghệ thuật, nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên, quần chúng đồng bào dân tộc Chăm của chín tỉnh thành phố: Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, An Giang, Tây Ninh, Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh
Ngày hội gồm hai phần, trong đó phần lễ có lễ khai mạc với chủ đề "Lung linh sắc màu văn hóa Chăm", diễn ra vào 20 giờ ngày 27/9 tại Quảng trường tượng đài 16/4, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV8, Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Ninh Thuận. Lễ bế mạc với chủ đề "Sắc màu văn hóa Chăm tỏa sáng", diễn ra vào 20 giờ ngày 29/9 cũng tại tại Quảng trường tượng đài 16/4, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm.
Phần hội gồm năm hoạt động văn hóa chính: Trình diễn, giới thiệu lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc Chăm; không gian trưng bày, triển lãm giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa và du lịch, đất nước, con người và những thành tựu về kinh tế-xã hội của các địa phương; trưng bày, giới thiệu ẩm thực truyền thống địa phương; trình diễn, giới thiệu nghề thủ công truyền thống dệt thổ cẩm, nghề làm gốm của dân tộc Chăm; Liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Chăm.
Cũng trong thời gian ngày hội diễn ra một số chương trình bổ trợ: Triển lãm đặc trưng văn hóa đồng bào Chăm trong trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam; trưng bày ảnh nghệ thuật về sắc màu văn hóa dân tộc Chăm đồng hành cùng sự phát triển của đất nước; triển lãm tranh mỹ thuật về văn hóa dân tộc Chăm.
Các hoạt động thể dục thể thao truyền thống gồm: thi đấu môn kéo co, đẩy gậy, bóng đá (mini nam), bóng chuyền (nam), đội nước (nữ), việt dã (nam, nữ).
Điểm nhấn trong Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm là tổ chức hội thảo về du lịch với chủ đề "Phát huy giá trị di sản văn hóa Chăm trong phát triển du lịch", thu hút sự tham gia của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu khoa học, quản lý văn hóa, các nghệ nhân dân tộc Chăm... cùng trao đổi kinh nghiệm, thảo luận, đề xuất giải pháp qua công tác bảo tồn, phát huy di sản giá trị văn hóa dân tộc Chăm để phát triển du lịch trên địa bàn các địa phương.
Thông tin thêm về ngày hội, thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết: Tại lễ khai mạc, Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận sẽ tổ chức lễ công bố và nhận quyết định công nhận bảo vật quốc gia đối với Bia Phước Thiện niên đại cuối thế kỷ thứ 8 đầu thế kỷ thứ 9 hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận và Tượng thờ Vua Pô Klong Garai, niên đại thế kỷ 16-17, hiện đang thờ ở tháp Pô Klong Garai, phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy phát biểu tại họp báo |
Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm là dịp tôn vinh, giới thiệu giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm tới bạn bè trong nước và quốc tế. Qua đó tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam giàu bản sắc văn hóa, có sự thống nhất và hòa hợp giữa các dân tộc. Ngày hội thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đồng bào Chăm trong công cuộc đổi mới hội nhập và phát triển; nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước bền vững.