Xây dựng hệ sinh thái công nghệ cao

Sau hơn 20 năm đi vào hoạt động, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá là thành công nhất trong các khu công nghệ cao quốc gia. Đến nay, đơn vị này đã định hình và tạo được rất nhiều dấu ấn, là mô hình được xem như hình mẫu để nhân rộng ra cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Datalogic Việt Nam, Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.
Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Datalogic Việt Nam, Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Khu Công nghệ cao thành phố hiện có 160 dự án còn hiệu lực, trong đó có 70 dự án sản xuất công nghệ cao, 18 dự án dịch vụ công nghệ cao, 21 dự án nghiên cứu và triển khai (R&D), 9 dự án đào tạo, 23 dự án công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao.

Điểm đến của các công ty, tập đoàn lớn

Khu Công nghệ cao thành phố thu hút thành công các dự án công nghệ cao từ các tập đoàn, công ty có công nghệ nguồn, uy tín trên thế giới như Intel, Nidec, Jabil, Sanofi, Datalogic…. Đến nay, giá trị sản xuất lũy kế toàn Khu Công nghệ cao đạt gần 146 tỷ USD. Trong 70 dự án sản xuất công nghệ cao, có 29 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 9,31 tỷ USD, bình quân vốn đầu tư 321 triệu USD/1 dự án; 41 dự án công nghệ cao trong nước với tổng vốn hơn 630 triệu USD, bình quân vốn đầu tư 15,4 triệu USD/1 dự án.

Ngoài ra, nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong cơ cấu sản phẩm công nghệ cao của các doanh nghiệp FDI, đơn vị này đã thu hút 23 dự án công nghiệp hỗ trợ sản xuất công nghệ cao với tổng vốn đầu tư gần 513 triệu USD. Trong đó, có 14 dự án trong nước, vốn đầu tư khoảng 163 triệu USD và 12 dự án FDI, vốn đầu tư 349 triệu USD. Về kim ngạch xuất khẩu, nếu năm 2010 đạt 0,5 tỷ USD thì năm 2011 đạt gấp đôi là 1 tỷ USD, năm 2017 vượt mốc hơn 10 tỷ USD và năm 2021 mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề dịch Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 21 tỷ USD, năm 2022 đạt 23 tỷ USD và 9 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 12 tỷ USD.

Đối với ươm tạo doanh nghiệp, bình quân mỗi năm, Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao tiếp cận với hơn 90 dự án khởi nghiệp công nghệ do người Việt Nam nghiên cứu, phát triển. Qua thẩm định, đã đưa vào ươm tạo mới khoảng 10 dự án một năm.

Một trong những điểm khác biệt và yêu cầu bắt buộc các dự án khi tham gia chương trình ươm tạo của vườn ươm là phải có hoạt động nghiên cứu và phát triển, có tính mới và khai thác tài sản sở hữu trí tuệ hoặc hình thành tài sản sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm, giải pháp công nghệ trong thời gian ươm tạo. Để được chấp nhận tham gia chương trình ươm tạo, các dự án phải thỏa mãn tiêu chí của Luật Công nghệ cao, cũng như danh mục công nghệ và sản phẩm công nghệ được Chính phủ khuyến khích đầu tư phát triển.

Đến nay, qua công tác ươm tạo, có 56 dự án công nghệ cao đã thương mại hóa sản phẩm thành công. Một số doanh nghiệp đã đạt kết quả thương mại hóa tốt, xây dựng được thương hiệu, chỗ đứng ở thị trường Việt Nam và quốc tế như ACIS Technology, Gremsy, VeXeRe, Mideas, Cyfeer, Ewater Engineering, Tép Bạc...

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố cho biết: Khu Công nghệ cao đã chứng minh sự đúng đắn của thành phố trong cách tiếp cận và chọn phương thức tiến hành triển khai dự án. Đó là tạo môi trường thuận lợi để thu hút các dự án công nghệ cao từ các tập đoàn, công ty sở hữu công nghệ nguồn, có uy tín trên thế giới. Qua đó, đã góp phần quan trọng trong công tác xây dựng thể chế về hoạt động công nghệ cao, khu công nghệ cao...

Hướng đến là trung tâm kinh tế tri thức

Tuy đạt được những kết quả quan trọng, nhưng theo các chuyên gia, các hoạt động lan tỏa từ Khu Công nghệ cao thành phố chưa đạt như kỳ vọng là nhanh chóng tạo vùng kinh tế theo hướng công nghệ cao, hiện đại. Việc hợp tác, liên kết với các viện, trường đại học, giữa cộng đồng doanh nghiệp các khu công nghiệp, khu chế xuất… còn mang tính cục bộ, nhỏ lẻ. Công tác quản lý nhà nước, nhất là mô hình quản lý vận hành Khu Công nghệ cao chưa đáp ứng tính đặc thù của hoạt động công nghệ cao; từ đó, chưa hình thành được hệ sinh thái phát triển công nghệ cao bền vững, lan tỏa.

Để tạo động lực thúc đẩy hệ sinh thái công nghệ cao, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố cho rằng cần xây dựng Luật Đầu tư mạo hiểm và cơ chế thành lập quỹ hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo. Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát các quy định về đầu tư và các quy định về khoa học-công nghệ để có sự thống nhất; quy định cụ thể trình tự thủ tục đánh giá, các biểu mẫu giải trình, biểu mẫu đánh giá sự phù hợp về mặt công nghệ.

Tầm nhìn đến năm 2040, Khu Công nghệ cao thành phố hướng đến trở thành là trung tâm kinh tế tri thức, đổi mới sáng tạo của cả nước, thật sự trở thành động lực chính cho phát triển kinh tế-xã hội của thành phố và Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Theo đó, trong thời gian tới, đơn vị này tập trung đổi mới mô hình quản lý, quản trị, vận hành gắn với chuyển đổi số; nâng cấp và mở rộng Khu Công nghệ cao hiện hữu theo hướng là khu vực nghiên cứu, thực nghiệm, chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao hội tụ với công nghệ số; đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao với cộng đồng doanh nghiệp, các trường, viện trong khu vực. Qua đó, phấn đấu đến năm 2030, Khu Công nghệ cao trở thành một tiểu đô thị khoa học-công nghệ, một trung tâm đổi mới sáng tạo, là hạt nhân của Khu Đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông thành phố.

Cùng với đó, đơn vị này tập trung xây dựng hệ sinh thái năng lực nội sinh công nghệ cao, phát triển các sản phẩm chủ lực. Để thực hiện được điều này, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố tập trung thu hút doanh nghiệp trong nước, Việt kiều, gắn với cách mạng công nghiệp 4.0; thực hiện các chương trình kết nối doanh nghiệp công nghệ cao với các nền tảng, hệ sinh thái R&D-đào tạo-ươm tạo và khởi nghiệp trong Khu Công nghệ cao. Đồng thời, phát triển các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo gắn với các chuỗi giá trị nội địa và chuỗi giá trị toàn cầu trong các dự án sản xuất công nghệ cao có doanh thu lớn, giá trị xuất khẩu cao để thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng, cũng như năng lực cạnh tranh của sản phẩm.