Với mục tiêu này, UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển gia đình, xây dựng gia đình trong tình hình mới giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn thành phố.
Theo đó, thành phố phấn đấu đến năm 2025 đạt 95%, năm 2030 đạt 97% tổng số gia đình trên địa bàn thành phố được cung cấp thông tin, kiến thức về văn hóa ứng xử, kỹ năng giáo dục đạo đức, lối sống, tình yêu thương, truyền thống dân tộc và các giá trị văn hóa tốt đẹp; kiến thức về phòng ngừa rủi ro, tệ nạn xã hội, bạo lực trong gia đình. Thành phố cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 90%, đến năm 2030 đạt 95% số vụ bạo lực gia đình được phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật.
Thành phố quyết tâm thực hiện 100% địa phương có mô hình can thiệp, phòng ngừa và ứng phó bạo lực gia đình vào năm 2030 nhằm giảm tác hại của bạo lực gia đình, nhất là đối với phụ nữ, người yếu thế và trẻ em; phấn đấu đến năm 2025 đạt 93%, đến năm 2030 đạt 95% trở lên hộ gia đình đạt chuẩn gia đình tiêu biểu, hạnh phúc, văn hóa. Đối với các hộ gia đình chính sách, hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo, gia đình dân tộc thiểu số, đến năm 2030, các hộ này được cung cấp về hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình, tiếp cận dịch vụ xã hội, được cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng về chính sách, pháp luật, phúc lợi, an sinh xã hội…
Để thực hiện các mục tiêu trên, đồng thời để xây dựng chiến lược gia đình mang bản sắc riêng, phù hợp với tình hình mới, UBND thành phố Hồ Chí Minh đề ra nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo công tác gia đình thành phố, phối hợp Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố và các sở, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện việc xây dựng, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam mang những đặc trưng của thành phố Hồ Chí Minh trong thời kỳ mới; phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng chương trình giáo dục về gia đình theo giá trị chung của gia đình truyền thống, tiến bộ Việt Nam, mang những đặc trưng văn minh, tiến bộ của gia đình thành phố...
Thành phố cũng chú trọng công tác tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác xây dựng gia đình, xác định gia đình là nội dung quan trọng trong các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế-xã hội hằng năm; tiếp tục phát huy cơ chế phối hợp liên ngành để giải quyết kịp thời các vấn đề về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình...
Theo các chuyên gia, để thực hiện thành công các mục tiêu trên, vấn đề quan trọng là thành phố phải phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan quản lý nhà nước và vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên đối với công tác xây dựng gia đình; đồng thời, tăng cường vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, định hướng giá trị đạo đức, giáo dục thế hệ trẻ hoàn thiện nhân cách, nhất là đẩy mạnh xây dựng hệ giá trị gia đình và nhân rộng các mô hình gia đình tiêu biểu.
Khi đánh giá, triển khai các hoạt động gia đình văn hóa phải đi vào thực chất, khắc phục bệnh thành tích, hình thức và kiên quyết đấu tranh chống lối sống thực dụng, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình. Xây dựng, hoàn thiện và phát triển các mô hình gia đình hiệu quả tại cộng đồng, khu dân cư để phát huy sức mạnh cộng đồng cùng chung tay xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững…