Nhiều phương án được đề xuất
Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cầu Thủ Thiêm 4 ngày 7/8/2023 của Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, tính tới thời điểm hiện tại đang có 5 phương án thiết kế, trong đó 3 phương án có chiều cao tĩnh không 10 m; một phương án chiều cao tĩnh không đạt mức 15 m và một phương án chiều cao tĩnh không có thể lên tới 45 m.
Tại phương án thứ nhất, cầu Thủ Thiêm 4 sẽ được thiết kế theo biện pháp cầu dầm liên tục, thông số tĩnh không thông thuyền BxH=80x10 m. Ở phương án thứ hai, Thủ Thiêm 4 được thiết kế theo kết cấu vòm, lúc này tĩnh không cầu là 120x10 m. Tại phương án 3 là dây văng với tĩnh không thông thuyền là 120x10 m. Trong cả ba phương án đầu, chiều cao tĩnh không đều đạt mức 10 m.
Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện đơn vị này cũng đang xem xét thêm hai phương án nhằm nâng cao hơn nữa chiều cao tĩnh không cầu, ở các mức 15 m và 45 m. Với phương án tĩnh không chiều cao 15 m, cầu vẫn được thiết kế theo kết cấu vòm.
Riêng phương án cầu mở, tĩnh không có thể đạt tới độ cao 45 m. Theo đó, tĩnh không thông thuyền trong thời gian hoạt động bình thường là 80x10 m; trong thời gian mở cho tàu khách đi qua là 60x45 m. Ðối với phương án này, đại diện Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Do tính chất quan trọng của trục giao thông qua cầu Thủ Thiêm 4, việc sử dụng cầu mở cho tàu khách quy mô lớn đi qua là rất hạn chế, chỉ có thể thực hiện trong giai đoạn 23 giờ-1 giờ ngày hôm sau. "Ngoài chi phí xây dựng cao, chi phí vận hành và các rủi ro khi vận hành cầu mở cũng có thể ảnh hưởng tới an toàn khai thác tàu", đại diện đơn vị tư vấn thiết kế cho biết.
Theo đề xuất ban đầu, cầu Thủ Thiêm 4 nối khu đô thị mới Thủ Thiêm (thành phố Thủ Ðức) với Quận 7, có tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao). Cầu dự kiến dài hơn khoảng 2,2 km, rộng 28m với 6 làn xe và 2 lề bộ hành, tuổi thọ thiết kế 100 năm, tĩnh không thông thuyền 80x10 m, vận tốc thiết kế 60 km/giờ. Dự kiến điểm đầu cầu nằm tại điểm giao giữa đường Huỳnh Tấn Phát với đường Lưu Trọng Lư (Quận 7), điểm cuối đấu nối vào đường Nguyễn Cơ Thạch (thành phố Thủ Ðức).
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: Khi đi vào hoạt động, cầu Thủ Thiêm 4 sẽ tạo thêm đường kết nối giữa thành phố Thủ Ðức qua Quận 7, giải quyết tình trạng ùn ứ giao thông hiện nay ở đường Huỳnh Tấn Phát-Nguyễn Văn Linh, cầu Phú Mỹ, cầu Kênh Tẻ, tạo điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế Khu đô thị mới phía nam cũng như Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Mới đây, cầu Thủ Thiêm 4 được đưa vào danh mục Dự án thi đua tiêu biểu chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị này đang tập trung đẩy nhanh các thủ tục để kịp thời khởi công dự án vào dịp 30/4/2025.
Gìn giữ lịch sử-văn hóa, phát huy tiềm năng du lịch
Sau cầu Phú Mỹ (tĩnh không thông thuyền 45 m) thì cầu Thủ Thiêm 4 là cây cầu cửa ngõ của khu vực cảng Sài Gòn. Do vậy, thiết kế tĩnh không thông thuyền của cầu Thủ Thiêm 4 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc quy hoạch, phát triển kinh tế, nhất là du lịch đường sông của bến cảng Sài Gòn cũng như khu vực sông nước của cả Thành phố Hồ Chí Minh.
Ðồng tình với những lợi ích mà cầu Thủ Thiêm 4 có thể mang lại trong tương lai, nhiều chuyên gia cũng như đại diện các doanh nghiệp cho rằng, cần cân nhắc kỹ bài toán tĩnh không thông thuyền để bảo đảm hài hòa với phát triển kinh tế-xã hội cùng việc phát huy lợi thế lịch sử-văn hóa của khu vực cảng Nhà Rồng.
Theo ông Phan Xuân Anh, Giám đốc Công ty Du lịch thuyền Sài Gòn, việc xây cầu Thủ Thiêm 4 phải tính toán để khu vực cảng Nhà Rồng-Khánh Hội không thành khúc sông chết. Với độ cao tĩnh không chỉ 10 m thì sẽ không có thuyền ra, thuyền vào tại khu vực này, dẫn tới hiện tượng có sông mà không có đò, không có bến. Qua một thời gian, chắc chắn dòng sông sẽ bị bồi lắng, ô nhiễm. Quan trọng hơn, theo ông Anh, việc xây cầu, làm đường phải tính toán tới các yếu tố bảo vệ cảnh quan môi trường, gìn giữ được không gian văn hóa, bảo tồn được các giá trị lịch sử của cha ông để lại.
Trong khi đó, theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, Thành phố Hồ Chí Minh là một vùng đất đặc biệt với lịch sử kéo dài đã hơn 300 năm. Ðặc biệt, từ khi người Pháp quy hoạch thì trục sông Sài Gòn đã đóng một vai trò quan trọng trong hình thành bản sắc của đô thị sông nước. Cụ thể với cầu Thủ Thiêm 4, đã được thành phố tuyển chọn Phương án thiết kế kiến trúc, dự án sẽ kết nối giao thông giữa một bên là Khu đô thị mới Thủ Thiêm, bên kia là Quận 7 đang phát triển như một khu đô thị vệ tinh. Như vậy, nói về tầm nhìn tương lai, thành phố phải tính đến việc khai thác các chức năng hai bên bờ sông, xem xét giữ lại cầu kè của cảng Sài Gòn hiện hữu làm cảng hành khách, đặc biệt là các tàu du lịch của nước ngoài ra vào được thuận tiện. "Vì thế cây cầu Thủ Thiêm 4 có độ tĩnh không như thế nào, thiết kế mỹ thuật và kỹ thuật ra sao thì thành phố phải tính toán cẩn trọng để đạt hiệu quả "mở cửa", không "đóng cửa" tương lai", Kiến trúc sư Nam Sơn chia sẻ.
PGS, TS Trần Ðình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: "Chúng ta có tư duy xây cầu có độ tĩnh không cao để tàu thuyền có thể lưu thông được, phát huy nét văn hóa "trên bến dưới thuyền" hoặc nhiều năm qua chúng ta phải chấp nhận đào con đường qua lòng sông như Thủ Thiêm để giữ con sông lại. Ðây là cách tiếp cận đúng. Nếu đặt cách tiếp cận với việc xây cầu và kiến trúc hai bên bờ sông mà không đáp ứng được yêu cầu như thế thì có lẽ phải nghiên cứu thật kỹ".
Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, tĩnh không cầu là một bài toán kinh tế-kỹ thuật mà đơn vị tư vấn đang nghiên cứu, chọn phương án hợp lý nhất... Tùy theo tính chất của trục giao thông mà cây cầu bắc qua sẽ lựa chọn giải pháp để tính đến hiệu quả về các mặt đường bộ, chi phí, đường thủy. Ðó là bài toán tính toán tổng hợp trên mọi phương diện ■