Xã anh hùng xây dựng nông thôn mới

Xã An Hiệp nằm ở vùng sâu của huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre), gặp nhiều khó khăn phát triển kinh tế do cách trở giao thông. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã An Hiệp đang phấn đấu từng ngày trong xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Ấp An Bình phát triển mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng.
Ấp An Bình phát triển mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân dân và lực lượng vũ trang xã An Hiệp lập thành tích đặc biệt xuất sắc và được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 2005. Sau giải phóng, vùng đất anh hùng ngày nào là một trong những địa phương vùng sâu của huyện Ba Tri gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế.

Năm 2022, Chính phủ có quyết định công nhận xã An Hiệp là một trong 21 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo (giai đoạn 2021-2025) của tỉnh Bến Tre. Trong đó, ấp đảo An Bình (cồn Đất) nằm giữa sông Hàm Luông nên việc phát triển kinh tế, giao thông của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng sự chung sức, đồng lòng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây đã từng bước khắc phục khó khăn để vươn lên phát triển kinh tế.

Xã anh hùng xây dựng nông thôn mới ảnh 1
Đường giao thông nông thôn ở xã An Hiệp được lắp đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời.

“Hằng năm, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới để lãnh đạo thực hiện và xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai, quán triệt trong cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân. Qua triển khai, toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã có sự chuyển biến tốt về tư tưởng, nhận thức, phát huy vai trò chủ thể của mình trong việc xây dựng nông thôn mới. Đến nay, xã tự đánh giá đạt 11/19 tiêu chí; 6 tiêu chí đạt từ 50 đến 80% và 2 tiêu chí đạt dưới 50%. Phấn đấu đến năm 2025, xã An Hiệp hoàn hoàn thành tất cả các tiêu chí để công nhận xã nông thôn mới”.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã An Hiệp Trương Trung Tính

Kinh tế của người dân đã phát triển nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn của địa phương. Ông Trần Hoàng Nhịn, sinh năm1956 (ngụ ấp Giồng Lớn), cho biết: “Trước đây, gia đình tôi chuyên trồng lúa nhưng khá bấp bênh do thường xuyên bị nước mặn xâm nhập, gây thiệt hại. Năm 2016, gần 1ha đất của gia đình đã chuyển qua trồng dừa, trồng cỏ nuôi bò. Kinh tế gia đình đã ổn định hơn trước rất nhiều”.

Mấy năm qua, kinh tế của bà con có sự phát triển nhờ đầu tư hạ tầng, người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để thích ứng với biến đổi khí hậu. Trước đây, hầu như người dân chỉ sản xuất lúa thì nay đã chuyển đổi sang trồng dừa, trồng cỏ chăn nuôi bò… mang lại hiệu quả cao. Trong đó, người dân rất đồng thuận trong xây dựng nông thôn mới, tham gia rất tích cực các phong trào và hiến đất, ngày công lao động làm đường để cùng thụ hưởng thành quả khi xây dựng nông thôn mới.

Bí thư Chi bộ ấp Giồng Lớn Võ Hoài Phúc

Nhờ công tác tuyên truyền, vận động, người dân nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình vừa là chủ thể thực hiện, vừa là người thụ hưởng trong xây dựng nông thôn mới nên tạo được sự đồng thuận, ủng hộ chính quyền địa phương trong xây dựng nông thôn mới.

Xã anh hùng xây dựng nông thôn mới ảnh 2
Gia đình ông Trà Văn Trung rất tích cực hiến đất làm được, tặng bóng đèn thắp sáng.

Trong năm 2022 và đầu năm 2023 người dân đã đóng góp bằng tiền mặt trên 1,8 tỷ đồng, hiến 2.420m2 đất, rất nhiều ngày công lao động trong xây dựng giao thông nông thôn và tích cực tham gia thực hiện “Ngày chủ nhật nông thôn mới”. Gia đình ông Trà Văn Trung, ngụ ấp Giồng Lớn là gương điển hình đã tích cực hiến đất làm đường giao thông nông thôn, tặng bóng đèn năng lượng mặt trời thắp sáng các tuyến đường tại địa phương với kinh phí hàng trăm triệu đồng.

Ông Trung cho biết: “Trước đây, đường trong ấp là đường đất nhỏ hẹp không chỉ ảnh hưởng việc đi lại của học sinh, người dân mà còn cả vận chuyển hàng hóa, nông sản nên kinh tế khó phát triển. Mấy năm trước, tôi cùng chính quyền địa phương vận động người dân mở rộng, làm đường bê-tông. Để làm gương, tôi hiến con đường chiều dài hết thừa đất khoảng 20m, ngang 2m để làm đường. Khi đường làm xong lại tiếp tục gặp khó vì lắp đèn đường, thu tiền điện của các hộ dân hàng tháng nên tôi tự nguyện ủng hộ đèn năng lượng mặt trời cho cả ấp và các ấp xung quanh để thắp sáng, giúp địa phương phát triển”.

Mỗi ngày, từ đất liền đến cồn Đất (ấp An Bình, xã An Hiệp) chỉ có gần chục chuyến phà sang sông cách đất liền 1,5km. Sau gần 1 giờ ngồi chờ và lênh đênh trên sông, chiếc phà mới sang được cồn Đất. Cách trở là vậy nhưng vùng đất cù lao giữa sông Hàm Luông đang chuyển mình phát triển kinh tế nhờ nghề nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch sinh thái.

Xã anh hùng xây dựng nông thôn mới ảnh 3
Trẻ em ấp An Bình rất thích khám phá các trò chơi dân gian tại các điểm du lịch cộng đồng.

Cựu chiến binh Huỳnh Minh Ê, sinh năm 1949, kể lại: “Cồn Đất được xem là vùng sâu nhất của huyện Ba Tri vì nằm giữa sông, muốn vào đất liền chỉ có phương tiện duy nhất là đò, ghe nên rất khó phát triển. Địa phương từng bước phát triển nhờ vào việc đầu tư xây dựng giao thông nông thôn, xây dựng bến phà... Năm 2012, cù lao này vui mừng khi có lưới điện quốc gia kéo về. Từ đó, người dân có điện thắp sáng, phát triển kinh tế với nghề nuôi tôm thẻ chân trắng nên bộ mặt nông thôn đã đổi thay rất tích cực”.

Tháng 11/2021, Hợp tác xã nông nghiệp - du lịch An Hiệp được thành lập để phát triển du lịch từ tài nguyên bản địa tại vùng cù lao Đất. Đến nay, hợp tác xã có 96 thành viên với vốn điều lệ 1,2 tỷ đồng. Đây là một trong những hợp tác xã đầu tiên trên địa bàn tỉnh Bến Tre phát triển du lịch dựa vào cộng đồng.

Điều đặc biệt, cả 4 hộ gia đình kết nối với hợp tác xã cùng phát triển du lịch cộng đồng đều là đảng viên, cán bộ ấp An Bình, gồm: gia đình Bí thư Chi bộ ấp, Trưởng ấp, Chi hội trưởng Phụ nữ và cựu chiến binh ấp.

Xã anh hùng xây dựng nông thôn mới ảnh 4
Cựu chiến binh Huỳnh Minh Ê đọc thơ Lục Vân Tiên cho các em học sinh nghe khi đến điểm du lịch sinh thái của mình.

“Nhắc đến cồn Đất người ta thường nói về những khó khăn trong đi lại, sự nghèo khó nhưng gần đây đã có sự thay đổi khá lớn. Người dân nơi đây không chỉ trồng trọt, chăn nuôi mà còn phát triển du lịch sinh thái”.

Bí thư Chi bộ ấp An Bình Trương Văn Đưng

Bản thân ông Đưng là cán bộ và là thành viên của hợp tác xã nên đi đầu mở điểm du lịch cộng đồng. Khách đến đây sẽ được tham quan khu nuôi cá, tôm; bơi xuồng; rập cua và chế biến ngay tại nhà...

Toàn bộ diện tích hơn 1ha đất của gia đình ông được làm bờ bao chung quanh để nuôi thủy sản và phục vụ khách du lịch.

Bộ mặt nông thôn ở “ốc đảo” này đã thật sự đổi thay nhờ xây dựng nông thôn mới.

Hiện tại Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã An Hiệp phấn đấu để giữ vững những tiêu chí đã đạt được và hoàn thành 8 tiêu chí còn lại để công nhận xã nông thôn mới vào năm 2025. Trong đó, Đảng ủy có kế hoạch, phân công đầu việc cho từng cán bộ, đảng viên cũng như các chi bộ thực hiện các phần việc như: kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng giao thông nông thôn, phát triển kinh tế tập thể, xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh toàn diện...

Vùng đất anh hùng trong kháng chiến, đặc biệt khó khăn trong thời bình đang đổi thay từng ngày nhờ vào sự chung sức, đồng lòng trong xây dựng nông thôn mới.