Tự hào xã Anh hùng, Đảng bộ 90 năm tuổi Đảng

Cách đây 90 năm, ngày 3/3/1933, tại gác chuông chùa Liêu Thượng, thuộc xã Xuân Thành, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, Chi bộ Đông An - tiền thân của Đảng bộ Xuân Thành ngày nay, được thành lập. 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân xã Xuân Thành đã góp phần xứng đáng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Xã Xuân Thành vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân do có thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
0:00 / 0:00
0:00
Trường THCS Xuân Thành đạt chuẩn quốc gia mức độ II.
Trường THCS Xuân Thành đạt chuẩn quốc gia mức độ II.

Xã Xuân Thành hình thành cách đây hơn 6 thế kỷ, gồm 6 thôn: Văn Phú, Liêu Thượng, Đông An, Cát Xuyên, Hạ Miêu và Phong Miêu. Tổ tiên về đây khai hoang lập ấp, chống chọi với bão tố biển Đông, với lũ lụt sông Hồng, biến nơi đây từ một vùng lầy lội, hoang dã trở thành làng quê trù phú, rợp bóng tre xanh, đồng ruộng phì nhiêu.

Lịch sử Đảng bộ xã ghi: Từ năm 1925, thầy giáo Đào Đình Mẫn, quê Thái Bình, đã về đây vừa dạy học vừa tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho nhiều học trò như: Đinh Thúc Dự, Đinh Lai Hấp, Đinh Văn Huyên, Đinh Văn Trai, Phạm Đình Duy, Nguyễn Văn Lữ…; đến năm 1929, thầy giáo bị bắt, cơ sở mất liên lạc. Năm 1933, đồng chí Phạm Quang Lịch (Hào Lịch) khi đó là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Thái Bình vượt ngục Hỏa Lò, về đây chọn bốn hội viên hội nông dân tương tế tiêu biểu, gồm: Đinh Thúc Dự, Phạm Đình Duy, Đinh Văn Trai, Đinh Văn Huyên để thành lập Chi bộ Cộng sản Đông Dương lấy tên là Chi bộ Đông An do đồng chí Đinh Thúc Dự làm Bí thư.

Mốc son vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân Xuân Thành là sự kiện tham gia giành chính quyền tại các huyện Xuân Trường và Giao Thủy (tháng 8/1945) không tốn một viên đạn, không đổ một giọt máu… Truyền thống ấy chính là mạch nguồn nội lực, là niềm tự hào, phẩm chất nội sinh dệt nên những giá trị quý báu để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã tiếp tục phát huy trong sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng quê hương.

Bước vào thời kỳ đổi mới, đảng bộ xã lãnh đạo nhân dân khắc phục mọi khó khăn, tự lực, tự cường, cần kiệm, xây dựng quê hương giành được thắng lợi khá toàn diện: Sản xuất nông nghiệp được duy trì và phát triển không ngừng, công nghiệp, thương mại dịch vụ chuyển dịch giữ vị trí xứng đáng trong cơ cấu kinh tế. Các công trình điện, đường, trường, trạm, nước sạch, cơ bản hoàn thành. Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa, làng văn hóa, gia đình văn hóa ngày càng nền nếp ở một vùng quê lương giáo đoàn kết: “Chùa cảnh tinh tiến, gương mẫu”, “Xứ họ đạo tiên tiến”.

Trăn trở của cấp ủy, chính quyền giờ đây là làm thế nào khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phát huy nội lực, tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài để phát triển. Xã đã có nhiều gương điển hình mạnh dạn đầu tư sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đó là: Gia đình ông Đoàn Xuân Khải, xóm 5, tiên phong trong tích tụ ruộng đất vùng thâm canh Đồng Ngoài với khoảng 20ha ruộng cấy lúa nếp đặc sản hai vụ, có năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Bí thư Đoàn xã Trịnh Thị Lương nhiều năm được các cấp khen thưởng do có nhiều sáng kiến trong hoạt động Đoàn, như: Vận động đoàn viên, thanh niên tình nguyện vì cộng đồng; rửa xe, xin thu phế liệu gây quỹ từ thiện giúp đỡ thanh, thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn; chương trình “Nồi bánh chưng yêu thương”; làm và bàn giao công trình thanh niên cho các trường học…

Bí thư Đảng ủy xã Xuân Thành Đào Anh Phong cho biết: “Xuân Thành là xã thuần nông, không có nghề phụ và cơ sở sản xuất chế biến nông sản như các xã khác trong huyện Xuân Trường. Xã cũng không có nguồn lực hỗ trợ từ các cá nhân có điều kiện. Chúng tôi lấy truyền thống cách mạng, tình đoàn kết xóm làng làm gốc, lấy đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước làm “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động. Nông thôn khởi sắc, người dân vươn lên tự thoát nghèo, làm giàu chính đáng, đó là minh chứng cho những chủ trương, đường lối đúng đắn của cấp ủy, chính quyền, sự chung sức đồng lòng của nhân dân”.

Triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008 về nông nghiệp-nông dân-nông thôn, từ năm 2010, địa phương đã hoàn thành quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Phong trào xây dựng nông thôn mới được cả hệ thống chính trị và người dân hưởng ứng với phương châm “dân góp, dân làm, người dân thụ hưởng, Nhà nước có hỗ trợ đầu tư”. Xanh, sạch, đẹp không tự nhiên mà có trên những đường thôn, đồng ruộng. Hơn sáu nghìn mét vuông đất mà người Xuân Thành đồng lòng hiến cho các dự án kiên cố hóa kênh rạch và đường dân sinh chính là “bột” để gột nên “hồ”. Năm 2015, Xuân Thành đã được tỉnh Nam Định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, về đích trước 3 năm so kế hoạch.

Tự hào về truyền thống vẻ vang của Chi bộ Đông An - chi bộ đảng đầu tiên của xã Xuân Thành, cán bộ, đảng viên, nhân dân trong xã luôn tâm niệm: Không say sưa tự hào với truyền thống mà “ngủ quên” trên vinh quang của một xã anh hùng! Người dân xã Xuân Thành biết ơn và ghi nhớ truyền thống cách mạng vẻ vang của ông cha, biết ơn những người con, người chiến sĩ cách mạng quả cảm đã cống hiến cả tuổi thanh xuân và cuộc đời cho quê hương, đất nước để hôm nay đây, tên tuổi của họ đã đi vào lịch sử: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đinh Thị Vân; Liệt sĩ Đinh Thúc Dự - Bí thư Chi bộ đầu tiên đã được đặt tên đường phố tại chính quê hương mình.