WHO cảnh báo tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em nghiêm trọng ở Dải Gaza

28 trong tổng số hơn 8.000 em đã thiệt mạng và một bộ phận đáng kể dân số ở Dải Gaza đang phải đối mặt với các hiểm họa nhân đạo, điển hình như nạn đói.
0:00 / 0:00
0:00
Người Palestine đến phía nam thành phố Gaza sau khi rời bỏ nhà cửa và phía bắc Dải Gaza trong bối cảnh Israel bắn phá không ngừng và các cuộc đụng độ đang diễn ra giữa quân đội Israel và các tay súng Hamas. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Người Palestine đến phía nam thành phố Gaza sau khi rời bỏ nhà cửa và phía bắc Dải Gaza trong bối cảnh Israel bắn phá không ngừng và các cuộc đụng độ đang diễn ra giữa quân đội Israel và các tay súng Hamas. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổ chức y tế thế giới (WHO) ngày 12/6 (giờ Geneva) cho biết, có hơn 8.000 trẻ em, ở độ tuổi dưới 5, đang được điều trị tại Dải Gaza vì suy dinh dưỡng cấp tính kể từ khi xung đột nổ ra.

Phát biểu trước báo giới, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, 28 em trong tổng số nêu trên đã thiệt mạng và một bộ phận đáng kể dân số ở Dải Gaza đang phải đối mặt với các hiểm họa nhân đạo, điển hình như nạn đói.

Tổng giám đốc WHO cảnh báo: “Mặc dù có báo cáo về việc tăng cường cung cấp thực phẩm nhưng hiện tại, chưa có bằng chứng nào cho thấy những người cần nhất nhận được đủ số lượng và chất lượng thực phẩm. Hơn 8.000 trẻ em dưới 5 tuổi đã được chẩn đoán và điều trị suy dinh dưỡng cấp tính. Trong số này, 1.600 trẻ đang bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng. Tuy nhiên, do tình trạng mất an ninh và thiếu khả năng tiếp cận, hiện chỉ có hai trung tâm ổn định cho bệnh nhân suy dinh dưỡng nghiêm trọng có thể hoạt động. Hiện WHO không thể cung cấp dịch vụ y tế an toàn và với tình trạng thiếu nước sạch, ngày càng nhiều nguy cơ trẻ em mắc suy dinh dưỡng. Đã có 32 ca tử vong do suy dinh dưỡng, trong đó có 28 trẻ em dưới 5 tuổi".

Sau khi lực lượng Hamas tấn công vào Israel hồi tháng 10 năm ngoái làm gần 1.200 người thiệt mạng, quân đội Israel đã phát động chiến dịch quân sự đáp trả ở Dải Gaza, tới nay đã khiến hơn 37.000 người thiệt mạng.

Theo Tổng giám đốc Tedros, cuộc khủng hoảng y tế cũng đang leo thang ở Bờ Tây, với các vụ tấn công nhằm vào những cơ sở chăm sóc y tế, cùng với đó là các quy định hạn chế di chuyển, gây khó khăn cho việc tiếp cận cơ sở y tế.

Ông cho biết kể từ khi nổ ra cuộc xung đột ở Dải Gaza, WHO đã ghi nhận 480 vụ tấn công nhằm vào các cơ sở và nhân viên y tế ở Bờ Tây, làm 16 người thiệt mạng và 95 người khác bị thương.

Tổng giám đốc Tedros nhấn mạnh: “Ở Bờ Tây, cũng như ở Dải Gaza, giải pháp duy nhất là hòa bình. Phương thuốc tốt nhất lúc này là hòa bình”.