Trong khi đó, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) ghi nhận tổng cộng 41 xe tải chở hàng cứu trợ đã được đưa tới các tổ chức nhân đạo ở Gaza. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan khẳng định, hàng viện trợ sẽ tiếp tục được chuyển qua tuyến đường biển đi qua Địa Trung Hải nói trên trong thời gian tới.
Nỗ lực trung gian nhằm đạt được ngừng bắn
Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken kêu gọi Ai Cập làm mọi việc có thể để bảo đảm hàng viện trợ nhân đạo được chuyển vào Dải Gaza. Ông Blinken cho biết, giao tranh gia tăng gần cửa khẩu Rafah ở miền nam Dải Gaza đã cản trở hoạt động cung cấp viện trợ. Bộ trưởng Blinken nhấn mạnh, chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn lo ngại về khả năng Israel sử dụng bom hạng nặng cho chiến dịch ở thành phố Rafah và Washington đang trao đổi với Tel Aviv về vấn đề này.
Trước đó, Tổng thống Biden đã cảnh báo Israel rằng Washington sẽ ngừng cung cấp một số vũ khí cho Tel Aviv để phản đối nước này thực hiện cuộc tấn công lớn vào Rafah, nơi tạm trú của hơn 1 triệu người Palestine sơ tán từ phía bắc Dải Gaza. Mỹ đã tạm dừng một lô hàng bao gồm cả bom hạng nặng cho Israel, nhưng cho biết sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ quân sự khác cho Israel.
Người đứng đầu Cơ quan Thông tin Nhà nước Ai Cập (SIS) Diaa Rashwan cảnh báo Ai Cập có thể rút khỏi vai trò trung gian đàm phán ngừng bắn ở Dải Gaza sau khi xuất hiện các thông tin truyền thông không chính xác về Ai Cập trong vai trò trung gian. Trước đó, hãng CNN (Mỹ) trích dẫn các nguồn thạo tin về các cuộc đàm phán cho rằng tình báo Ai Cập đã âm thầm thay đổi các điều khoản của đề xuất ngừng bắn mà Israel ký kết hồi đầu tháng này trước khi cung cấp cho phong trào Hamas, khiến các nhà đàm phán ngạc nhiên.
Ông Rashwan khẳng định tin tức trên của CNN là vô căn cứ, không dựa trên các nguồn thông tin đáng tin cậy, do đó vi phạm các tiêu chuẩn báo chí chuyên nghiệp được công nhận trên toàn cầu. Ông Rashwan nêu rõ rằng những động thái nhằm phá hoại vai trò hòa giải của Ai Cập bằng những tuyên bố vô căn cứ sẽ chỉ làm phức tạp thêm tình hình ở Gaza và toàn bộ khu vực, đồng thời có thể buộc phía Ai Cập phải rút khỏi vai trò hòa giải.
Thúc đẩy giải pháp hai nhà nước
Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric khẳng định sự ủng hộ của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đối với giải pháp hai nhà nước cho vấn đề Israel-Palestine. Về tình hình xung đột tại Gaza, ông cho biết, Liên hợp quốc đang tập trung thúc đẩy các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn nhằm tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo và trả tự do cho các con tin, từ đó hướng đến một thỏa thuận chính trị.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố, Trung Quốc luôn kiên quyết ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của người dân Palestine trong công cuộc khôi phục các quyền dân tộc hợp pháp và sẽ tiếp tục hợp tác với cộng đồng quốc tế để đóng vai trò mang tính xây dựng nhằm thúc đẩy giải pháp toàn diện, công bằng và lâu dài cho vấn đề Palestine.
Phát biểu họp báo thường kỳ, ông Uông Văn Bân bày tỏ: “Chúng tôi cho rằng ưu tiên trước mắt là thực thi Nghị quyết 2728 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, triển khai lệnh ngừng bắn ngay lập tức, chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có ở Gaza và quay trở lại quỹ đạo đúng đắn là tìm kiếm giải pháp chính trị cho vấn đề Palestine trên cơ sở giải pháp hai nhà nước một cách càng sớm càng tốt”.