Những tổn thương nặng nề với trẻ em ở Dải Gaza

Ngày 4/4, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết khoảng 8/10 trường học ở Dải Gaza đã bị hư hại hoặc phá hủy, nhưng chính những thiệt hại về mặt tâm lý mà cuộc xung đột hiện nay gây ra cho gần 1,2 triệu trẻ em ở vùng lãnh thổ này mới khiến các chuyên gia thực sự lo ngại.
0:00 / 0:00
0:00
Trẻ em tại Rafah, Dải Gaza, ngày 31/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Trẻ em tại Rafah, Dải Gaza, ngày 31/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo UNICEF, kể từ khi nổ ra xung đột giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel, ít nhất 53 trong tổng số 563 trường học ở Gaza đã bị phá hủy. Trung bình cứ hơn 8/10 trường bị hư hại và 67% chịu ảnh hưởng trực tiếp do xung đột. Đây là tình trạng chưa từng có.

Bác sĩ tâm lý trẻ em Audrey McMahon của Tổ chức Bác sĩ Không Biên giới nhấn mạnh rằng để có thể học tập, cần phải ở trong một không gian an toàn. Tuy nhiên, hầu hết trẻ em ở Gaza hiện nay đều bị tổn thương. Những trẻ nhỏ hơn có thể bị khuyết tật nhận thức suốt đời do suy dinh dưỡng, trong khi thanh thiếu niên có thể cảm thấy phẫn nộ và tức giận trước sự bất công mà các em phải gánh chịu. Những tổn thương mà các em phải đối mặt là rất lớn và sẽ mất rất nhiều thời gian để chữa lành những tổn thương đó.

Ông David Skinner tại tổ chức cứu trợ trẻ em Save The Children cho biết việc xây dựng lại các trường học tuy rất phức tạp nhưng vẫn đơn giản hơn so với những tổn thất nặng nề về giáo dục. Thảm họa đối với trẻ em là điều thường bị bỏ qua trong các thông tin đề cập tới tình hình Gaza. Đây là những trẻ nhỏ mất người thân, bệnh tật và suy dinh dưỡng.

Ông Skinner cũng cho biết trẻ nhỏ có bộ não vẫn đang phát triển đặc biệt có nguy cơ bị tổn thương về sức khỏe tâm thần và nhận thức. Việc đưa các em trở lại lớp học và xây dựng lại trường học chỉ là những bước đầu tiên. Thách thức thực sự sẽ là chữa lành cho thanh thiếu niên Gaza phải di tản và bị tổn thương để họ có thể học tập trở lại.

UNICEF ước tính có 620.000 trẻ em ở Gaza không được đến trường. Khi nổ ra cuộc xung đột giữa Hamas và Israel, các trường học ngay lập tức ngừng hoạt động giảng dạy và phần lớn biến thành nơi trú ẩn cho các gia đình chạy trốn khỏi các cuộc không kích.

Gần 50% dân số sinh sống ở vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng là trẻ dưới 18 tuổi và hệ thống giáo dục đang gặp khó khăn sau 5 cuộc chiến trong 20 năm qua.