Hô vang các khẩu hiệu như "chấm dứt nạn diệt chủng ở Palestine" và "đoàn kết với người dân Palestine", những người biểu tình đã tuần hành từ Gare du Nord đến Place Jean Rey ở khu phố châu Âu.
Cuộc tuần hành do nhiều tổ chức phát động như Hiệp hội Bỉ-Palestine, Tổ chức bảo trợ nói tiếng Pháp và Hà Lan CNCD-11.11.11 và Tập thể Beitna của Palestine. Các nhà tổ chức kêu gọi cộng đồng quốc tế có hành động khẩn cấp để bảo đảm lệnh ngừng bắn vĩnh viễn, bảo vệ dân thường và con tin được tự do. Những người biểu tình cũng yêu cầu chấm dứt phong tỏa Dải Gaza và tăng cường khả năng tiếp cận viện trợ nhân đạo cho người Palestine.
Các nước Trung Đông-Bắc Phi kêu gọi thực thi ngay lệnh ngừng bắn ở Gaza
Cuộc biểu tình ở Brussels đánh dấu cuộc biểu tình quy mô lớn thứ sáu ở Bỉ kể từ khi cuộc xung đột giữa Hamas-Israel nổ ra từ ngày 7/10/2023.
Cùng ngày, phóng viên TTXVN tại Trung Đông cho biết, kênh truyền hình Al Jazeera ngày 19/5 đưa tin, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) một lần nữa kêu gọi ngừng bắn tại Gaza trong bối cảnh Israel đẩy mạnh chiến dịch quân sự tại Rafah.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, các báo cáo về xung đột dữ dội ở khu vực lân cận bệnh viện Kamal Adwan ở phía bắc Gaza và lượng bệnh nhân bị thương đến bệnh viện ngày càng tăng là điều đáng lo ngại do năng lực chăm sóc hạn chế của cơ sở này.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo, lệnh sơ tán, tăng cường bắn phá và việc không có đường vận chuyển viện trợ vào Gaza tiếp tục khiến tính mạng và sức khỏe của dân thường bị đe dọa. Các đội y tế và vật tư đã bị chặn ở cửa khẩu biên giới Rafah trong hai tuần qua.
Các cuộc tấn công tại Gaza trong 24 giờ qua của quân đội Israel đã khiến 70 người Palestine thiệt mạng và 110 người khác bị thương. Một số nạn nhân vẫn còn nằm dưới đống đổ nát trong bối cảnh các đợt ném bom khốc liệt vẫn tiếp diễn và thiếu hụt lực lượng cứu hộ.
Nhật báo Gulf news của Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) ngày 19/5 dẫn lời Bộ trưởng Bộ Hợp tác Quốc tế nước này Reem bint Ebrahim Al Hashimy thông báo, một lô hàng viện trợ lương thực 252 tấn của UAE đã đến Gaza. UAE, Mỹ, Cyprus, Liên hợp quốc, Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu đã phối hợp vận chuyển lô hàng này thông qua hành lang hàng hải xuất phát từ Larnaca ở Cyprus.
Cho đến nay, UAE đã chuyển vào Gaza hơn 32.000 tấn hàng cứu trợ nhân đạo khẩn cấp, bao gồm thực phẩm, hàng cứu trợ và vật phẩm y tế, được gửi qua 260 chuyến bay, 49 đợt thả dù và 1.243 xe tải.
Cùng ngày, Lực lượng vũ trang Jordan phối hợp với Không quân Ai Cập và Đức đã tiến hành ba đợt thả dù viện trợ nhân đạo và lương thực xuống một số địa điểm ở phía nam Dải Gaza.
Lực lượng vũ trang Jordan tái khẳng định sẽ tiếp tục gửi viện trợ nhân đạo và y tế tới Gaza thông qua các chuyến bay từ Sân bay Marka của nước này đến sân bay Al-Arish của Ai Cập và các chuyến thả dù hoặc sử dụng các đoàn xe viện trợ trên bộ.
Từ khi Israel tấn công Gaza, Lực lượng vũ trang Jordan đã tiến hành 95 đợt thả dù hàng viện trợ xuống khu vực này, cùng với 246 đợt thả dù được thực hiện với sự hợp tác của các nước khác.