Vừa chống dịch, vừa triển khai mô hình chính quyền đô thị

Mặc dù TP Hồ Chí Minh đang ưu tiên mọi nguồn lực để phòng, chống dịch Covid-19, nhưng với sự nỗ lực, sau hơn một tháng triển khai, mô hình chính quyền đô thị tại thành phố bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận; bộ máy chính quyền tiếp tục vận hành ổn định, thông suốt, người dân được phục vụ tốt hơn.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại quận Tân Phú. Ảnh: Anh Tuấn
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại quận Tân Phú. Ảnh: Anh Tuấn

Đại diện UBND quận 12 cho biết, sau gần hai tháng thực hiện (từ ngày 1/7/2021), mô hình chính quyền đô thị đã vận hành trơn tru, thông suốt, đáp ứng được những nhiệm vụ thường xuyên cũng như đột xuất, nhất là trong hoàn cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Bộ máy chính quyền cấp phường phát huy tính chủ động, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Chủ tịch UBND các phường đã ủy quyền cho cán bộ tư pháp ký hộ tịch thực hiện ký chứng thực bản sao các giấy tờ, chứng thực chữ ký trong các giấy tờ… Để bảo đảm dân chủ và công khai, minh bạch trong mọi hoạt động của UBND phường, các kết luận, quyết định của phường đều được đưa lên Cổng thông tin điện tử của phường để người dân biết.

Tương tự, tại UBND phường 13, quận Gò Vấp, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh, việc giải quyết các thủ tục hành chính cho dân được thực hiện qua mạng internet. Hiện, phường đang băn khoăn: Chủ tịch UBND phường được ký ủy quyền, vậy các phó chủ tịch UBND phường có được ủy quyền cho cán bộ tư pháp hay vẫn thực hiện ký giấy tờ song song với cán bộ tư pháp? Theo quy định, hiện nay, cả chủ tịch và các phó chủ tịch đều ký các giấy tờ chứng thực cho dân.

Chủ tịch UBND phường 13 (quận Gò Vấp) Trương Hồng Phong cho biết, từ năm 2019, để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân,  phường 13 đã ban hành quy chế giải quyết các khiếu nại, phản ánh của người dân thông qua các tổ dân phố. Theo đó, từ các cuộc họp tại tổ dân phố, tổ trưởng tổ dân phố sẽ có trách nhiệm chuyển các phản ánh này lên phường. Trong vòng 10 ngày, lãnh đạo phường sẽ phản hồi cho dân biết. Nội dung nào thuộc thẩm quyền, phường giải quyết ngay; nội dung nào vượt thẩm quyền phải trình cấp trên, phường cũng sẽ thông tin cho dân được biết…

Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Nhân cho biết, thành phố có thời gian thí điểm lâu nhất (2009 - 2016), có số lượng thí điểm nhiều nhất cả nước, và sau gần hai tháng chính thức triển khai, thành phố đã đạt được những kết quả tích cực. Đến nay, thành phố không tổ chức HĐND tại 16 quận và 249 phường. Các Văn phòng HĐND - UBND quận, phường đã đổi tên thành Văn phòng UBND.

Ngày 30/6 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ký 61 quyết định bổ nhiệm lãnh đạo UBND 16 quận trên địa bàn thành phố, gồm 14 chủ tịch và 47 phó chủ tịch UBND quận. Các quyết định có hiệu lực từ ngày 1/7/2021. Cũng từ ngày 1/7, chủ tịch, phó chủ tịch UBND quận, phường, công chức phường được bầu hoặc tuyển dụng trước ngày 1/7/2021 được chuyển thành công chức làm việc tại phường đang công tác.

TP Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND thành phố Hồ Chí Minh; TP Thủ Đức; các huyện, xã, thị trấn nhiệm kỳ 2021 - 2026 với 30 đại biểu Quốc hội, 94 đại biểu HĐND thành phố Hồ Chí Minh, 209 đại biểu HĐND thành phố Thủ Đức và năm huyện, 1.822 đại biểu HĐND xã, thị trấn. Đến giữa tháng 7/2021, thành phố đã bố trí công tác khác, tinh giản biên chế, giải quyết chính sách cho 50 cán bộ HĐND chuyên trách cấp quận và 240 cán bộ HĐND cấp phường. Đến nay, TP Hồ Chí Minh đã sắp xếp, bố trí và giải quyết chế độ, chính sách cho 290 trong số 291 cán bộ HĐND cấp quận và cấp phường.

Cũng theo ông Huỳnh Thanh Nhân, sau khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị, việc thực hiện quyền dân chủ của nhân dân vẫn được bảo đảm, bộ máy tinh gọn, tiết kiệm ngân sách; khắc phục trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, bảo đảm tính thống nhất, xuyên suốt, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy hành chính nhà nước.

Theo tính toán, trong nhiệm kỳ 2021 - 2026, khi không tổ chức HĐND quận, phường, TP Hồ Chí Minh sẽ tiết kiệm gần 1.200 tỷ đồng, tương ứng với các khoản chi thường xuyên cho 665 đại biểu HĐND quận và 6.159 đại biểu HĐND phường; đồng thời tinh giản 588 biên chế là đại biểu chuyên trách HĐND quận và phường.

Trong thời gian tới, ngoài việc dồn mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, nỗ lực duy trì đà tăng trưởng kinh tế nhằm thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép”, TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính quyền đô thị. Đây là nhiệm vụ vừa để hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền, tạo thế và lực phát triển mới, vừa cụ thể hóa các giải pháp thực hiện chủ đề năm 2021 “Xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”.

Để thực hiện có hiệu quả mô hình chính quyền đô thị, ngoài việc xây dựng, hoàn thiện các thể chế, chính sách, kiến nghị Chính phủ bổ sung biên chế (3.735 cán bộ), trong năm 2021, UBND thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phân cấp, ủy quyền cụ thể cho chính quyền địa phương ở các quận, TP Thủ Đức, phường phù hợp với tổ chức chính quyền đô thị và khả năng thực tiễn của từng địa phương nhằm tạo ra cơ chế để các địa phương tự chủ hơn trong huy động nguồn lực đầu tư phát triển và quản trị công.

Tăng cường, mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND cấp thành phố trong điều kiện không có HĐND cấp quận, phường. Đối với TP Thủ Đức, đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Thủ Đức do đồng chí Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh làm Trưởng ban. Ban Chỉ đạo đang xúc tiến việc xây dựng đề án này để kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết thực hiện…

Theo nhiều chuyên gia, thực hiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị, TP Hồ Chí Minh không chỉ thay “chiếc áo đã quá chật” mà sẽ mạnh mẽ đổi mới cơ chế, chính sách, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy tính chủ động sáng tạo của chính quyền TP Hồ Chí Minh bảo đảm sự ổn định và phát triển thành phố trong tương lai.