Sự kiện do Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Chính quyền nhân dân tỉnh Quý Châu, Trung Quốc phối hợp tổ chức, diễn ra trong 6 ngày (từ 28/8 đến 2/9), thu hút sự tham gia của hàng trăm đại biểu là các quan chức chính phủ, lãnh đạo cơ quan giáo dục, ngoại giao, thanh niên, nghiên cứu khoa học; các chuyên gia, học giả, đại diện thanh niên, báo chí các nước ASEAN và Trung Quốc; với chuỗi sự kiện gồm 122 hoạt động khác nhau, nhằm thúc đẩy giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo giữa các nước ASEAN và Trung Quốc.
Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn ASEAN-Trung Quốc về Giáo dục số với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi giáo dục, đón nhận tương lai giáo dục số” trong khuôn khổ Tuần lễ, ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, khẳng định, chuyển đổi giáo dục là cần thiết và bắt buộc để trang bị cho giới trẻ tâm lý ổn định và kỹ năng đầy đủ để đối mặt với những thách thức.
Việc xây dựng chính sách dạy và học trong bối cảnh mới cần xem xét đồng bộ các yếu tố: định hình những phương thức/mô hình học tập mới, kết hợp, ứng dụng, xây dựng mô hình học tập linh hoạt, xây dựng nguồn học liệu mở, ứng dụng được thành quả của những công nghệ mới; sự liên kết chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành, hợp tác công tư, thúc đẩy giải pháp mở, có sự đóng góp đa dạng; bảo đảm sự công bằng, bình đẳng trong tiếp cận cũng như cơ hội học tập của mọi nhóm đối tượng, với ưu tiên đặc biệt và trọng tâm vào hỗ trợ nhóm yếu thế.
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại Diễn đàn ASEAN-Trung Quốc về Giáo dục số. |
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng cho biết, Việt Nam hết sức quan tâm đến chuyển đổi số trong giáo dục, với việc phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó quy định rõ những chỉ số quan trọng trong mục tiêu đến năm 2025 như về tiếp cận giáo dục trực tuyến: 50% học sinh, mỗi sinh viên và mỗi nhà giáo có đủ điều kiện (về phương tiện, đường truyền, phần mềm) tham gia có hiệu quả các hoạt động dạy và học trực tuyến.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Nhân Dân, Giáo sư Zhou Shaoqi, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Quý Châu, đánh giá cao triển vọng và tiềm năng hợp tác, giao lưu về giáo dục-đào tạo giữa các cơ sở đào tạo của Trung Quốc với Việt Nam và các nước ASEAN, nhất là trong các lĩnh vực như trao đổi sinh viên, giảng viên, cán bộ nghiên cứu, đào tạo sau đại học, xây dựng phòng thí nghiệm chung, triển khai các dự án nghiên cứu khoa học về nông nghiệp, bảo vệ môi trường, năng lượng mới...
Giáo sư Zhou Shaoqi trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Nhân Dân. |
Tại các hội nghị, diễn đàn trong khuôn khổ của Tuần lễ, các đại biểu ASEAN và Trung Quốc đi sâu trao đổi về định hướng triển khai hợp tác thực chất trong các lĩnh vực như hợp tác giáo dục số, hợp tác giữa các cơ sở đào tạo đại học, dạy nghề, thúc đẩy phát triển ngành du lịch, giao lưu nhân văn giữa thanh thiếu niên...
Trong thời gian diễn ra Tuần lễ, dự kiến sẽ ra mắt 5 trung tâm nghiên cứu, 12 tổ chức/trung tâm hợp tác về giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ, 17 kết quả của các dự án nghiên cứu chung; đồng thời thúc đẩy ký kết hơn 50 thỏa thuận, biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các cơ sở đào tạo của các nước ASEAN và Trung Quốc.
Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn phát biểu tại lễ khai mạc Tuần lễ. |
Tuần lễ Hợp tác giáo dục Trung Quốc-ASEAN là diễn đàn hợp tác giáo dục thường niên giữa Trung Quốc và các nước ASEAN từ năm 2008. Trải qua 16 năm, diễn đàn đã phát huy vai trò tích cực trong việc thúc đẩy hợp tác giáo dục và giao lưu nhân dân giữa Trung Quốc với các nước ASEAN, được đưa vào Tầm nhìn Đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc 2030.