Đây là nhận định của ông Hứa Ninh Ninh, Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Trung Quốc-ASEAN, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác công nghiệp trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong bài viết được trang mạng của Tạp chí China Report ASEAN đăng tải mới đây.
Theo đó, từ tháng 1-7/2023, trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN đạt 3.590 tỷ nhân dân tệ, tăng 2,8% so cùng kỳ năm ngoái, cao hơn 2,4 điểm phần trăm so mức tăng tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc với thế giới (0,4% trong 7 tháng đầu năm nay).
Trao đổi thương mại với ASEAN chiếm tới 15,3% trong tổng giá trị ngoại thương của Trung Quốc, tăng 0,3% so cùng kỳ năm ngoái. Thương mại giữa hai bên có vai trò trụ cột quan trọng trong cơ cấu ngoại thương của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong gần 3 năm qua, ASEAN liên tục vượt EU và Mỹ, giữ vững vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, khoảng cách về quy mô trao đổi thương mại cũng ngày càng lớn so với EU và Mỹ. Trong các quốc gia ASEAN, Việt Nam, Malaysia và Indonesia lần lượt là 3 đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.
Trong các quốc gia ASEAN, Việt Nam, Malaysia và Indonesia lần lượt là 3 đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ láng giềng tốt, đối tác tốt, chuyên gia Hứa Ninh Ninh cho rằng, quan hệ Trung Quốc-ASEAN chưa bao giờ khăng khít như thời điểm hiện nay, đóng vai trò quan trọng đối với các lợi ích phát triển của cả Trung Quốc và các nước ASEAN.
Vị chuyên gia Trung Quốc nhận định, hợp tác kinh tế Trung Quốc-ASEAN hiện nay đang hướng vào việc nâng cao chất lượng và hiệu quả, chuyển từ "triển khai theo chiều rộng" sang "nâng cấp về chất lượng", với hàng loạt nội dung hợp tác có thể triển khai trong thời gian tới.
Hợp tác kinh tế Trung Quốc-ASEAN hiện nay đang hướng vào việc nâng cao chất lượng và hiệu quả, chuyển từ "triển khai theo chiều rộng" sang "nâng cấp về chất lượng"
Ông Hứa Ninh Ninh, Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Trung Quốc-ASEAN
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải nắm bắt được xu hướng phát triển, hỗ trợ lẫn nhau, chú trọng phát huy thế mạnh, bổ sung cho nhau, bảo đảm nội dung hợp tác đi vào chiều sâu, thiết thực, thúc đẩy mở rộng các nhận thức chung, cùng nhau tiến về phía trước.
Một góc cảng Khâm Châu thuộc khu vực thí điểm thương mại tự do Quảng Tây, Trung Quốc, nơi có nhiều trao đổi thương mại với ASEAN. (Ảnh: Tân Hoa Xã) |
Trong khi đó, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và các nước RCEP tăng trưởng ổn định. Trong đó, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam lần lượt là 3 đối tác xuất khẩu lớn nhất; Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt là 3 đối tác nhập khẩu lớn nhất.
Đánh giá cao vai trò của hiệp định RCEP trong hợp tác kinh tế-thương mại ở khu vực trong giai đoạn hiện nay, chuyên gia Hứa Ninh Ninh cho rằng, cần có sự phối hợp nhịp nhàng, thông suốt giữa các chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp các nước. Chỉ có tăng cường tin cậy, phát triển quan hệ hữu nghị, mới có thể tạo ra những thành quả kinh tế thiết thực từ việc thực thi hiệp định RCEP.
Đồng thời, ông Hứa Ninh Ninh cũng nhấn mạnh, cộng đồng doanh nghiệp các quốc gia RCEP cũng cần tích cực hợp tác, để thúc đẩy quan hệ chính trị, giao lưu nhân dân đạt tiến triển mới, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác kinh tế-thương mại.