Ngày 20/2, tại Hà Nội, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã tiếp và làm việc với bà Chihoko Asada-Miyakawa, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) khu vực châu Á-Thái Bình Dương về vấn đề hợp tác trong lĩnh vực lao động-việc làm, an sinh xã hội.
Chia sẻ tại buổi tiếp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao sự hợp tác giữa ILO với Chính phủ Việt Nam và ngành lao động-thương binh và xã hội Việt Nam trong nhiều năm qua.
Hình ảnh tại buổi tiếp. (Ảnh: Molisa) |
Bộ trưởng cho biết, ILO là tổ chức đối tác quốc tế truyền thống và lớn nhất của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, với các hoạt động hợp tác trên hầu hết các lĩnh vực thuộc phạm vi phụ trách của Bộ như: việc làm, dạy nghề, tiền lương, an toàn-vệ sinh lao động, an sinh xã hội, hỗ trợ các nhóm yếu thế.
Các chương trình hợp tác giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội với ILO, đặc biệt là Chương trình Hợp tác quốc gia về việc làm thỏa đáng 2022-2026 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ là khuôn khổ cho các hoạt động hợp tác toàn diện giữa ILO và các đối tác ba bên ở Việt Nam trong giai đoạn tới, phù hợp với các ưu tiên của Việt Nam và Khung Phát triển bền vững Một Liên hợp quốc.
Bộ trưởng cũng đánh giá cao các đóng góp của ILO không chỉ là về mặt tài chính, kỹ thuật mà còn ở những sáng kiến mới, những cách tiếp cận mới về việc làm xanh, việc làm thỏa đáng, an sinh xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh phục hồi hậu Covid-19, chuyển đổi từ nền kinh tế phi chính thức sang chính thức … để các quốc gia có những chuẩn bị và quyết sách phù hợp. Đối với hoạt động này của ILO, Việt Nam đã và đang tham gia rất tích cực.
Giám đốc Văn phòng ILO khu vực châu Á-Thái Bình Dương đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện, phê chuẩn các công ước cơ bản của ILO cũng như thực hiện cam kết về cải cách pháp luật lao động, đặc biệt là ban hành Bộ luật Lao động 2019 và đang nỗ lực để sửa đổi các luật khác như Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm,…
Trao đổi tại buổi tiếp, bà Chihoko Asada-Miyakawa đánh giá cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trong quá trình phê chuẩn các công ước, tiêu chuẩn lao động quốc tế, xây dựng và triển khai bộ luật lao động và các chính sách khác liên quan đến lĩnh vực lao động, xã hội.
Nữ giám đốc Văn phòng ILO khu vực châu Á-Thái Bình Dương chia sẻ, bà vui mừng và đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện, phê chuẩn các công ước cơ bản của ILO cũng như thực hiện cam kết về cải cách pháp luật lao động, đặc biệt là ban hành Bộ luật Lao động 2019 và đang nỗ lực để sửa đổi các luật khác như Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm,…
Bà Chihoko Asada-Miyakawa khẳng định, ILO luôn sẵn sàng và vui mừng để hỗ trợ kỹ thuật cho quá trình này.
Cũng tại buổi tiếp, bà Chihoko Asada-Miyakawa đã chia sẻ và gửi lời mời Việt Nam tham gia sáng kiến “Chương trình thúc đẩy toàn cầu về việc làm và an sinh xã hội hướng tới chuyển đổi công bằng” của ILO và Liên hợp quốc, trong đó Việt Nam là quốc gia tiên phong.
Cụ thể, đây là sáng kiến do Tổng Thư ký Liên hợp quốc phát động nhằm mục tiêu tạo ra việc làm bền vững hơn, trọng tâm là việc làm xanh, kinh tế xanh, số hóa các dịch vụ chăm sóc, mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội, thay đổi thị trường lao động, hỗ trợ chuyển đổi công bằng.
Đáp lời bà Chihoko Asada-Miyakawa, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Việt Nam có một nguyên tắc bất di bất dịch, đó là phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, không “hy sinh” tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Trên cơ sở nguyên tắc đó, cùng với sự nỗ lực của Chính phủ và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hệ thống an sinh xã hội, chính sách xã hội, phúc lợi xã hội của Việt Nam trong những năm qua đã có tiến bộ rõ ràng. Hiện nay, chi ngân sách của Việt Nam chiếm khoảng 21% cho vấn đề xã hội và an sinh xã hội.
Tuy vậy, hiện nay Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những thách thức chung của thế giới về lao động việc làm, an sinh xã hội. Đó là thách thức về vấn đề già hóa dân số, biến đổi khí hậu, sự thiếu ổn định của thị trường lao động, tỷ lệ lao động ở khu vực phi chính thức còn cao và về mặt chính sách pháp luật còn có những điểm tồn đọng.
Việt Nam có một nguyên tắc bất di bất dịch, đó là phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, không “hy sinh” tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Trên cơ sở nguyên tắc đó, cùng với sự nỗ lực của Chính phủ và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hệ thống an sinh xã hội, chính sách xã hội, phúc lợi xã hội của Việt Nam trong những năm qua đã có tiến bộ rõ ràng. Hiện nay, chi ngân sách của Việt Nam chiếm khoảng 21% cho vấn đề xã hội và an sinh xã hội.
Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung
Vì vậy, Bộ trưởng hy vọng trong giai đoạn tới tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa của ILO trong quá trình thực hiện Chương trình hợp tác Việt Nam-ILO về Việc làm thỏa đáng giai đoạn 2022-2026.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao và ủng hộ sáng kiến của ILO và Liên hợp quốc về việc làm và an sinh xã hội hướng tới chuyển đổi công bằng. Sáng kiến rất có ý nghĩa trong bối cảnh các quốc gia phục hồi hậu Covid-19.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giao các đơn vị chuyên môn nghiên cứu kỹ về sáng kiến và những nhiệm vụ phải làm trong vai trò là quốc gia tiên phong, và báo cáo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để tiến hành các thủ tục cần thiết.
Bộ trưởng tin tưởng rằng, với kinh nghiệm 20 năm công tác tại Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, từng là Trợ lý Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản phụ trách các vấn đề lao động quốc tế, bà Chihoko Asada-Miyakawa sẽ hoàn thành tốt công việc giám sát và quản lý hoạt động của ILO tại 34 quốc gia khu vực, trong đó có Việt Nam. Qua đó, góp phần tích cực vào việc tăng cường mối quan hệ hợp tác truyền thống có hiệu quả giữa tổ chức này và Việt Nam.